Hai mươi ba năm nay chị em nó chưa từng được gọi một tiếng “cha ơi”. Nó thực sự rất muốn một lần đứng trước mặt cha và gọi ông như thế. Một lần gọi “cha ơi” và cha trả lời nó.
Cha nó vừa ra đời bị một căn bệnh hiểm nghèo, để cha được sống người ta châm vào một huyệt của ông, và từ đó, cha không thể nghe thấy, không thể nói được. Người ta nói ông là một người tàn tật, ông bị “câm điếc”.
Trong gia đình nó luôn tồn tại một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ “kí hiệu”. Khi bắt đầu ghi nhận kí ức của cuộc sống xung quanh thì nó đã giao tiếp với cha bằng kí hiệu. Kí hiệu chỉ riêng người trong gia đình nó có thể biết và trao đổi với nhau: dùng tay thể hiện động tác mái tóc uốn xoăn là đang chỉ về mẹ – mẹ có mái tóc xoăn, chỉ hành động bị tiêm vào bắp tay là nói về chị – một kĩ thuật viên xét nghiệm, hai tay nắm lại áp vào hai má là nói về nó – người có đôi má phụng phịu, tay trái thể hiện điệu bộ bị cong cong là em gái nó – em gái khi nhỏ bị gãy tay trái và người ta đã cố nắn nhưng cánh tay đó không còn thẳng như trước nữa.
Thế còn muốn nói về cha thì dùng kí hiệu gì? Không có kí hiệu nào để chỉ cha nó cả, bởi vì những kí hiệu đó là do ông đã nhìn thấy, ghi nhận đặc điểm riêng của từng người trong gia đình để ông có thể giao tiếp với mọi người, ông không cần nghĩ ra những kí hiệu để nói về ông. Nó không phải học kí hiệu bởi vì khi cha nó đưa ra kí hiệu của riêng ông thì nó và cha đều biết ông đang nói đến điều gì bởi vì họ là một gia đình chung sống cùng nhau – hiểu nhau, kí hiệu của cha đưa ra với chị em nó cũng chính ra những hành động chị em nó dùng để truyền đạt với cha điều chúng muốn nói. Bởi điều đặc biệt này nên không một ai trên thế giới này có thể hiểu người cha ấy như gia đình ông hiểu về ông.
Cha làm việc vào những ngày trời mưa gió. Cha trở về lúc mọi người đã ngủ ngon giấc. Mỗi đêm khi trông ngóng cha đi làm về nó im lặng lắng nghe trong đêm mưa, chờ tiếng chó trong làng sủa là cha đang trở về, đợi nghe tiếng chiếc xe đạp rung lên khi bước qua cái mương nước đầu ngõ là cha đã đến nhà, bao nhiêu năm nay chưa một lần thay đổi thói quen đó. Một mình cha với chiếc xe đạp cũ kĩ đi về trong đêm mưa, lạnh, sấm chớp, cha làm thuê ở một quán bán thịt chó để kiếm tiền nuôi chúng nó đi học.
Trong kí ức của nó, mỗi lần chờ cha về để đi ngủ nó luôn chứng kiến cha ngồi ăn cơm một mình, tiếng nhai cơm trệu trạo khó khăn, bóng cha gầy đổ dài trên bức tường đất của căn nhà ọp ẹp. Cha có một mùi riêng mà không người cha nào có, mùi của hơi men hòa lẫn mùi thịt chó nấu giả cầy – cha có mùi của công việc.
Mỗi đêm khi nó cuộn mình trong chăn bên cạnh cha, áo cha thật lạnh, tay chân cha cũng rất lạnh vì ông trở về trong những đêm mưa, nhưng ngực cha nóng, ở đó có một trái tim rất ấm áp. Trong đêm tối, nó lắng nghe tiếng cha thở, tiếng thở dồn dập như cuộc đời của ông, một cuộc đời vất vả xô bồ. Nó ngủ quên khi đang cố thở theo nhịp của cha nó. Cha không nghiện rượu, không biết bài bạc nhưng cha nghiện thuốc lá, vì những ưu tư trong cuộc đời cha không thể nào nói ra và không thể biến mất.
Cha luôn ngồi một góc trước hiên nhà hút điếu thuốc - lặng lẽ. Mẹ đã từng một thời mỗi lần đi chợ đều mua sợi thuốc lào về cho cha để ông vấn vào những đầu giấy hút qua mỗi ngày khi mà cuộc sống chưa đủ tiền mua thuốc lá đầu lọc. Rồi mẹ cũng khuyên cha bỏ thuốc, bởi tiếng ho của cha hằng đêm làm mẹ lo lắng, bởi thân hình cha quá gầy gò. Nhưng cha chỉ xa thuốc được một tháng trời vì đợt ông bị ốm, rồi ông cũng lại tìm về với khói thuốc của ông. Ba chị em nó không phản đối việc cha hút thuốc, không phải vì không biết thuốc sẽ cướp dần cha, nhưng cha không nghiện gì cả, cha chỉ duy nhất thích hút thuốc lá, loại thuốc rẻ tiền “cò xanh” “ cò đỏ”. Cái sở thích nhỏ đó là nguồn vui mỗi ngày của cha, nên dù đến mức nào đi nữa ba chị em nó vẫn muốn và tìm mọi cách để mỗi ngày trong túi cha có một gói “cò xanh”.
Khi còn bé mỗi dịp tết về cha luôn dẫn chị em nó đi chúc tết các gia đình mà ông quen biết. Tết nào cũng thế hết buổi sáng mồng một, chị em nó xếp hàng rồng rắn đi theo cha đến nhà những người trong xóm. Cha không nói câu chúc tết đầu năm mà chỉ đến rồi cười cười và bắt tay mọi người, rồi ông dơ lên ba ngón tay và chỉ vào những đứa con đi cùng và ra kí hiệu khoe rằng ông có ba người con đây là đứa lớn nhất, đây là đứa thứ hai, và đứa út đang ở nhà, ông ở lại mỗi nhà một lát chờ đợi họ lì xì cho con của ông. Quà lì xì ngày đó của chị em nó có thể là một bát cốm, một cái bánh chưng, hai trăm đồng, năm trăm đồng, nhà nào hào phóng thì được hẳn một nghìn đồng.
Chị em nó vì bé và ngây thơ cho nên hào hứng khi được tiền lì xì, nhưng cha nó thì khác ông chỉ cười nhẹ nhàng. Không phải ai cũng vui mừng khi cha con nó đến nhà chúc tết, nhưng không sao cả, vì con ông còn bé quá chúng không để ý điều này, và ông thì quá quen với sự khinh khi của mọi người. Nhưng nó và cha đều thích những ngày tết bởi vì cuối ngày khi trở về nhà, cha và con luôn có chiến lợi phẩm mang về cho mẹ, mẹ cầm những cái bánh chưng cất vào một cái thúng để ăn dần.
Những tháng năm ấy không thể còn mãi mãi bởi con gái ông đã lớn lên, chúng đã bắt đầu hiểu vì sao tết chúng nó lại đi đến nhà người ta chúc tết, nên không còn những ngày đi “xin” tiền lì xì nữa. Bây giờ tết về cha nó buồn, con gái cha không còn lẽo đẽo theo cha nữa.
Nó học khá, cho nên cuối năm học nào cũng mang về nhà giấy khen, giấy khen của nó được dán trên tường nhà nơi cha con nó nằm ngủ, khói bếp đã nhuộm đen vào những tờ giấy đó, hai mươi hai năm rồi nó vẫn còn nhìn thấy mờ mờ nét chữ “ đạt học sinh tiên tiến – lớp 1A”. Cha luôn làm nhiệm vụ gián giấy khen của nó, ông thích thú với công việc đó. Cha nó không biết chữ nhưng cha biết tờ giấy đó là điều mà ông nên tự hào, mỗi lần có khách vào nhà ông luôn kéo tay họ vào xem bức tường đó.
Cha không đọc được hai chữ giấy khen” bởi thế đối với ông tất cả giấy tờ con gái ông mang về nếu có dấu tròn màu đỏ ở cuối góc bên phải thì đều là giấy khen, nó biết cha định nghĩa giấy khen như thế cho nên không biết bao lần nó phải dấu đi những tờ thông báo. Ngày đỗ đại học, nó vui mừng – mẹ vui mừng – cả nhà nó vui mừng, nhưng cha không vui mừng, bởi vì nó không biết phải ra kí hiệu với cha như thế nào về những chữ “con đã đỗ đại học”.
Nó mừng nhưng nó thương cha nó, tại sao cha không thể có được cái quyền tự hào về nó, tại sao cha không thể khoe với mọi người rằng con gái ông đỗ đại học, tại sao không ai có thể giúp cha hiểu rằng “cha ơi, điều này còn hơn cả bức tường đầy giấy khen kia nữa”.
Ngày nó sắp đi, nó đã ra kí hiệu với cha rằng nó sẽ đi xa để học, đó là tất cả những thông tin mà nó có thể nói với cha mà nó biết cha sẽ hiểu. Cha hiểu cho nên, ngày nó đi cha dúi vào tay nó một trăm ngàn, cha cùng chị đưa nó đi bắt xe khách và đứng ở ngoài nhìn nó đang chen chúc trên chuyến xe của những ngày nhập học đầu năm, xe lăn bánh đi, cha đứng nhìn… cha chỉ nhìn… ánh mắt ấy nói rằng ông nhớ nó, ánh mắt ấy nói rằng từ bây giờ ông bắt đầu lại mong chờ đến ngày tết không phải để đưa nó đi chúc tết, mà để nhìn thấy nó trở về.
Trên chuyến xe ấy, nó đã khóc, nó khóc vì nó không thể nói một lời nào với cha, nó khóc vì đến bây giờ nó đã ra khỏi vòng tay cha mẹ, nó khóc vì biết ở nơi đó, trong căn nhà tranh liêu xiêu ấy cha mẹ nó cũng như nó họ đang khóc vì đứa con ấy đã trưởng thành.
Mỗi lần nó gọi điện về nhà nói chuyện, chỉ có thể gặp mẹ, gặp chị, gặp em nhưng không bao giờ gặp cha. Nó biết cha ở đó, đang ngồi nhìn mẹ nghe điện thoại, chắc chắn cha cũng muốn và nói với nó – nghe nó hỏi thăm, nhưng không có cách nào ra kí hiệu cho con gái ông hiểu qua chiếc điện thoại đó, nên ông luôn ngồi nhìn và nắm hai tay đưa lên đôi má rồi chỉ vào điện thoại, cha đang hỏi có phải nó gọi điện về không? Cha đưa tay ra không trung ra kí hiệu rằng sắp đến ngày nổ pháo hoa rồi, còn ba lần đưa ra mười ngón tay nữa là ngày con gái trở về. Nó bước vào năm thứ năm đại học thì cha nó cũng bước qua năm năm ngồi nhìn điện thoại và đếm ngày nổ pháo hoa…
Tình thương của cha không cần qua học hỏi, không phải là truyền thống mà chính là “bản năng của những người cha”. Bản năng đó biến những người câm điếc trở thành người cha đang tự hào.
Gửi tặng cha người mà con luôn kính trọng và yêu quý, rồi sẽ đến lúc cha không còn phải đếm ngày sẽ nổ pháo hoa.
Thiên Bình
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét