Sài Gòn
Từ lâu, Sài Gòn đã được xem là nơi sinh ra món bánh mì kẹp thịt kiểu Việt nổi tiếng, khi những năm 60 và 70 của thế kỉ trước, số lượng đông đảo người Pháp tại đây đã giới thiệu và phổ biến công thức bánh Baguette của họ. Người Việt đã cải biên Baguette cho bớt đặc ruột và có lớp vỏ giòn hơn, chiều dài vừa ăn. Kết hợp cùng các nguyên liệu thịt và rau xanh hợp lý, ổ bánh mì Sài Gòn đã trở thành món ăn bình dân quen thuộc trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, quả thực, không có nơi đâu bánh mì kẹp lại đa dạng về chủng loại và độc đáo về công thức như ở “quê mẹ” Sài Gòn.
Bánh mì thịt nướng
Đứng dầu danh sách này sẽ luôn là bánh mì kẹp thịt truyền thống gồm pate, bơ dầu, jambon, chả lụa, đồ chua, dưa leo và rau thơm. Điểm cuốn hút đặc biệt của món bánh này đến từ những nguyên liệu được “Việt hóa” rất nhẹ nhàng và hợp khẩu vị người dân. Thay vì dùng bơ động vật béo ngậy, bánh mì kẹp thịt sử dụng bơ dầu từ hạt thực vật. Thêm vào đó, phần đồ chua man mát giòn giòn sẽ tạo độ cân bằng hoàn hảo với phần nhân thịt mỡ màng.
Bánh mì heo quay
Với ngôi sao chính là ổ bánh mì đặc biệt – vỏ ngoài giòn rụm nhưng bên trong xốp mềm – người Sài Gòn đã biến tấu thành đủ loại bánh kẹp thơm ngon. Bánh mì bì là một món ăn sáng bình dân nhưng đủ sức chinh phục mọi người con Sài Gòn. Bì heo tuy không đắt tiền như thịt nhưng vẫn đầy hương vị nhờ nước mắm, thính, hành tỏi hòa quyện, đi cùng phần nước tương hoặc nước sốt đặc biệt của riêng từng hiệu bánh. Món này cũng nhẹ bụng hơn hẳn bánh mì thịt, là lựa chọn tuyệt vời để cứu đói giữa những buổi học hay làm việc.
Bánh mì bì
Nếu các hiệu cơm tấm thường tận dụng luôn bì để kẹp bánh, thì hầu hết các cửa hàng ăn uống cũng tận dụng nguyên liệu có sẵn để làm nhân bánh mì kẹp. Và từ đó, Sài Gòn tiếp tục cho ra đời biết bao công thức bánh mì hấp dẫn. Món bánh mì xíu mại kết hợp giữa nhân thịt mọng nước và vỏ giòn rụm, bánh mì heo quay giòn tan sần sật từ trong ra ngoài, hay bánh mì phá lấu thơm nức mũi mới ngửi đã thèm là những ví dụ điển hình của sự đa dạng này.
Bánh mì xíu mại
Đà Lạt
Bánh mì xíu mại thì nhiều nơi cũng có nhưng có lẽ, bánh mì xíu mại ở Đà Lạt vẫn mang cho mình những đặc trưng riêng khiến người ăn phải nhớ.
Bánh mì xíu mại
Mỗi phần xíu mại được bày trong chén nhỏ sâu lòng, đầy nước súp, bên trong có các viên xíu mại, chả que, da heo, và hành lá rắc đầy bên trên. Thưởng thức một lần cái vị ngọt xương, với cái cay nồng của ớt trong nước dùng kết hợp bánh mì mới ra lò trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt quả là thích thú.
Nha Trang
Khi đi đến xứ biển, món bánh mì “thành phố” có chút biến đổi và mang những màu sắc địa phương rất riêng. Bánh mì Nha Trang nổi tiếng với công thức không một chút bơ nào, vỏ giòn và rỗng ruột còn hơn bánh mì Sài Gòn phiên bản gốc. Không có mùi bơ, không gây ngán, bánh mì Nha Trang siêu giòn chỉ ăn không hay chấm sữa đặc cũng đã tuyệt ngon. Loại bánh này cũng kết hợp rất linh hoạt với đủ loại nhân kẹp lẫn đồ chấm.
Nổi tiếng nhất phải kể đến bánh mì chả cá đúng chất món ăn miền biển: chả cá làm từ nạc basa hay cá thu với chút gia vị, thái sợi vừa rồi chiên ngập dầu cho vàng rụm và thơm lừng, kẹp với bánh mì và rau dưa. Tương ớt cùng ớt tươi cùng được kết hợp nhằm làm tăng hương vị nồng ấm, đồng thời cũng át cái tanh của cá và làm dậy mùi thơm vô cùng. Món bánh mì chả cá không chỉ phổ biến ở Nha Trang nói riêng mà còn ở các vùng biển nói chung, trong đó điển hình là Vũng Tàu.
Bánh mì chả cá
Vì có độ giòn và mỏng, bánh mì Nha Trang cũng rất được ưa chuộng để chấm với các món nước như ragu bò, bò kho hay bao tử nấu tiêu. Kết cấu giòn tan của bánh với một chút ẩm mịn từ nước chấm tạo ra sự kết hợp hoàn hảo cho vị giác. Bản thân bánh không bơ, không ngán, nên “năng suất tiêu thụ” món bánh này trong bữa ăn cũng đương nhiên tốt hơn bình thường.
Bánh mì bò kho
Hội An
Nhắc đến Hội An, người ta thường nghĩ tới bánh mì Phượng. Dường như địa chỉ này đã trở nên quá phổ biến khi hàng loạt những người nổi tiếng thế giới đã tới đây ăn và không ngớt lời ca ngợi. Trong số đó có thể kể đến như: Anthony Bourdain, Gordon Ramsay...
Bánh mì Phượng
So với bánh mì ở những nơi khác, điểm đặc biệt của bánh mì Phượng có thể là 3 thứ: vỏ bánh mì, nước sốt và rau đi kèm. Tất cả kết hợp với nhau rất hài hòa và hợp lý. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ nhận thấy rằng, vỏ bánh mì ở đây luôn giòn và cứng hơn so với bánh ở Hà Nội hay Sài Gòn. Đây cũng là điều cần thiết để bánh không bị nhũn nát khi rưới 3 loại nước sốt đặc biệt của quán. Bên cạnh đó, người ta còn ấn tượng với bánh mì Phượng là bởi bánh có rất nhiều rau ăn kèm: nào hành, nào mùi, nào húng... và còn cả một loại rau thơm rất đặc trưng của Hội An nữa.
Hà Nội
Điều kiện khí hậu 4 mùa rõ rệt ở thủ đô lại cho phép bánh mì kẹp biến hóa đa dạng theo thời tiết. Nổi bật nhất ở Hà Nội phải kể đến các món bánh mì nóng giòn, dành riêng cho những ngày giá rét. Các đặc sản ấm nóng mùa đông như nem nướng, khoai nướng, nem chua rán,… đều được người dân Hà Nội tận dụng để tạo ra các công thức bánh mì “không đụng hàng”.
Bánh mì chả xiên
Giới trẻ Hà Thành – vốn nổi tiếng với niềm đam mê ăn quà – đã đưa món bánh mì nem khoai trở nên phổ biến từ Bắc vào Nam. Sự kết hợp thú vị giữa nem chua rán truyền thống với khoai tây chiên, trong cùng một ổ bánh mì nóng giòn thật sự là món ăn ngon miệng, ấm bụng cho những ngày trở lạnh. Vị béo của nem chua rán vốn làm nức lòng bao thế hệ thực khách đường phố Hà Nội, nay lại càng được nâng cấp nhờ cái ngọt bùi của khoai tây chiên và phần sốt sữa chua. Nghe tưởng chừng như chúng sẽ không ăn nhập với nhau, nhưng chỉ sau miếng cắn đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những hương vị bùi bùi, beo béo, giòn tan hoà quyện rất “hợp rơ” với nhau, đảm bảo bạn sẽ chỉ muốn ăn nữa cho xem!
Bánh mì nem khoai
Cũng lại nói về sự kết hợp độc đáo của bánh mì kẹp Hà Nội, ta không thể bỏ qua món bánh mì chảo. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi một phần ăn sẽ được dọn trên chảo gang – luôn luôn nóng rực – với đầy đủ pate, bít tết, trứng ốp la, cùng một ổ bánh mì giòn rụm. Lấy ý tưởng từ các suất bít tết kiểu Tây, nhưng thay vào đó, các hàng quán vỉa hè Hà Nội đã không chú trọng ở phần thịt bò đắt đỏ, mà đưa ổ bánh mì bình dân trở thành “ngôi sao” của đĩa ăn. Bánh mì chảo luôn nóng giòn như từ trong lò ra là điểm nhấn khó quên trong hành trình ăn vặt đường phố ở Hà Nội.
Bánh mì chảo
Hải Phòng
Đến với Hải Phòng, bạn sẽ được người dân nơi đây mời ăn thử bánh mì cay: chiếc bánh mì dài nhỏ, giòn tan, dậy mùi pate và rất cay. Và có lẽ, đây là chiếc bánh mì có giá rẻ nhất ở Việt Nam. Ngày trước, chỉ cần 500đ là bạn có thể mua được 1 chiếc bánh mì cho mình rồi. Còn giờ đây, khi mà những những loại bánh mì khác lên đến tiền "chục" thì 1 chiếc bánh mì Hải Phòng ngon lành vẫn chỉ khoảng 2 - 3k mà thôi.
Bánh mì cay
Tạm kết:
Từ ổ bánh mì dài thật dài bên Pháp du nhập sang, người Việt Nam đã biến hóa cho ra loại bánh mì vừa vặn nhỏ xinh, phù hợp với khẩu phần lẫn khẩu vị của mình. Và cũng từ ổ bánh nhỏ xinh ấy, mỗi địa phương lại tiếp tục biến tấu thêm để tạo nên những công thức bánh đậm màu sắc ẩm thực xứ mình.
Những liệt kê trên đây vẫn chưa thật đầy đủ, câu chuyện về chiếc bánh mì Việt Nam cùng những biến thể của nó trên mọi miền đất nước sẽ còn kéo dài. Chiếc bánh mì kẹp giản dị này sẽ là minh chứng cho sức biến đổi và thích nghi linh hoạt của ẩm thực ở Việt Nam nói riêng và trên mọi quốc gia và mọi vùng miền nói chung.
Theo MASK Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét