Người phụ nữ là một nửa không thể thiếu của thế giới này.
Trên bước đường vất vả và mưu sinh, kiếm tìm những cơ hội, ai trong chúng ta
không một lần lấy sự dịu dàng và tha thiết, bao dung và độ lượng của bà, của mẹ,
của chị hay một người con gái nào đó làm nguồn động viên, điểm tựa để vươn lên.
Cả thế giới trân trọng, ngưỡng mộ và tôn thờ vẻ đẹp, lòng vị tha, đức hy sinh,
sự trong sáng thánh thiện của phụ nữ, người ta gọi nó là thiên tính của người
phụ nữ. Những phẩm chất ấy được đúc kết qua bốn chữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh là
bốn đức của người phụ nữ xưa, là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam về tinh thần
và thể chất.
Trải qua tiến trình lịch sử, các chuẩn mực đạo đức, các quan
niệm về cái đẹp nói chung và cái đẹp của người phụ nữ nói riêng cũng thay đổi
theo từng giai đoạn, từng thế hệ. Chuẩn mực của người phụ nữ ngày nay có sự biến
đổi để thích nghi với thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của xã hội, với nhịp
sống hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam
luôn gắn với tính kế thừa.
Ngày xưa, khi nói về nữ công gia chánh, chữ “Công” là đức
tính thể hiện chức năng của người phụ nữ trong gia đình, thể hiện sự khéo léo đảm
đang nội trợ, nuôi dạy con cái. Người phụ nữ xưa phải biết may vá, thêu thùa,
chăm sóc chồng con. Cái tài ngày xưa đã khó, cái tài ngày nay còn khó hơn bội
phần. Chữ “Công” của người phụ nữ ngày nay họ không chỉ là người phụ nữ đảm
đang việc nhà mà còn tham gia công việc xã hội. Họ không còn giới hạn môi trường
hoạt động bởi những tố chất có sẵn trong người luôn thúc đẩy họ hướng đến cái
cao đẹp, cái hiện đại theo sự phát triển không ngừng của cuộc sống, của nhân loại.
Giờ đây, họ là những người phụ nữ của thời đại mới “giỏi việc nước, đảm việc
nhà”. Họ không chỉ khéo léo tổ chức công việc gia đình mà còn huy động sự tham
gia của các thành viên khác và tạo được không khí ấm cúng trong gia đình.
Chữ “Dung” được tạo hóa ban cho người phụ nữ về nhan sắc, đại
diện cho phái đẹp. Cái đẹp ở đây không chỉ toát lên từ vẻ đẹp hình thể mà cả
tâm hồn và sự duyên dáng, chín chắn của người phụ nữ. Người ta thường nói
“Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết tự làm đẹp cho
mình”. Chữ “Dung” giúp cho người phụ nữ tự đề cao, xem trọng vẻ đẹp trời ban
cho mình, không vì quá tự tin về nhan sắc của mình để sống buông tuồng. Tuy thời
gian có thay đổi, nhưng vẻ đẹp của người phụ nữ luôn cần có sự kết hợp giữa
hình thức bên ngoài và tâm hồn bên trong. Dung phải được kết hợp giữa khỏe và đẹp.
Bởi, có sức khỏe tốt, người phụ nữ mới chăm lo được cho bản thân, gia đình và
xã hội.
Dung bao hàm cả lối sống chan hòa, nhân ái, khoan dung độ lượng
và vị tha.
Lời nói vốn là công cụ giao lưu giữa một người với mọi người
xung quanh. Biết vận dụng chữ “Ngôn” là cả một nghệ thuật sống. Nếu người phụ nữ
có các chuẩn mực “Công, Dung, Hạnh” mà xao nhãng chữ “Ngôn” thì chưa đủ. Vì rằng,
nó là một phần của đức hạnh, cái hình thức bộc lộ của chữ “Hạnh”. Người biết
nói lời hay, ý đẹp là người có hạnh. Lời nói thuyết phục được người nghe cần có
tài hùng biện, nhưng có lẽ mới chỉ thể hiện được phần trí tuệ. Người phụ nữ
ngoài trí tuệ thông minh còn phải nói năng lễ độ, đúng mức, ngọt ngào êm ái, âm
thanh cũng toát lên cái vẻ đẹp tâm hồn. Tục ngữ có câu:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Ngày nay, tiêu chuẩn này vẫn còn nguyên giá trị của nó. Người
phụ nữ có sắc đẹp là diễm phúc trời cho. Nhưng nữ tính lại là nét chung của mọi
người phụ nữ. Không dễ dàng thừa nhận, nhưng một thực tế thấy rằng tiếng nói,
giọng của người phụ nữ quả có sức thuyết phục. Trong việc khuyên chồng, dạy con
ở nhà cho đến việc dàn xếp, thương lượng, đối thoại, tiếp xúc trong công việc từ
buôn bán, kinh doanh đến ngoại giao chính trị, tiếng nói và phong thái nói của
phái nữ thường đưa lại kết quả mong muốn hơn nhờ sự mềm mại, uyển chuyển cả âm
thanh lẫn từ ngữ. Cách nói năng lịch thiệp, lối xã giao khéo léo, ứng xử thông
minh trong mọi tình huống cũng thể hiện “Phông” văn hóa và vốn học thức của người
phụ nữ thời hiện đại.
“Hạnh” là phẩm hạnh của người phụ nữ. Đó là đức tính thủy
chung son sắt, kính trên nhường dưới, yêu thương gia đình, đồng loại, giữ trọn
nền nếp gia phong, yêu cái tốt, ghét cái xấu... Dù cuộc sống có hiện đại đến
đâu, những đứa trẻ vẫn cần đến câu hát, lời ru của mẹ, cần đến món ăn do chính
bàn tay mẹ nấu, cần đến những lời dạy con từ những câu ca dao, dân ca nhẹ nhàng
đi vào tiềm thức. Đối với người phụ nữ chữ “Hạnh” không thể thiếu được trong mọi
thời đại.
Nhằm giữ gìn phẩm hạnh của mình, người phụ nữ ngày nay cần
phải biết giữ mình trước những thử thách trong cuộc sống, đấu tranh trước những
cám dỗ bằng sự trân trọng và yêu quý gia đình. Bên cạnh việc giữ gìn phẩm chất
truyền thống, người phụ nữ phấn đấu trở thành một công dân tốt, biết ước mơ,
hoài bão, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Như vậy tứ đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn
để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ gìn. Ngày nay, đó vẫn là chuẩn
mực của người phụ nữ nhưng đã được bổ sung thêm nhiều nét mới. Nhiệm vụ của người
phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH là phải bền bỉ bồi đắp kiến thức, mở mang trí tuệ,
rèn luyện phẩm chất, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại để xây dựng
người phụ nữ đạt các chuẩn mực “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Anh Tâm
Hội LHPN tỉnh
Nguồn: nghenan.gov.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét