Với người Việt
Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc
đáo. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Với thôn dân Việt Nam, miếng trầu thắm têm
vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư , vỏ chay rể quạch luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở
tình cảm. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Và với
các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu
hát, để vào với hội làng hội nước.
Cây cau thẳng,
dây trầu mềm, khắp xứ sở Việt Nam đâu mà không thấy, hàng cau phía trước bên bể
nước mưa và giàn trầu trong mỗi ngôi nhà nơi thôn dã luôn là biểu hiện của sự
thái bình. Trong Nam có 18 thôn vườn trầu, tổng diện tích hàng trăm cây số
vuông. Ngoài Bắc, dọc các thôn xóm ven sông Hồng, ngày xưa tới đâu mà chẳng
nghe câu hát:
Để mẹ đi chợ
mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ
Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam
phố, mua trầu chợ Dinh."
Và ở miền
Trung, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng cau bên cạnh bóng dừa và văng vẳng
đâu đây câu hát:
Cho mẹ đi chợ
mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ
Quán, chợ Cầu,
Mua cau Bát
Nhị, mua trầu Hội An."
Sách xưa thì
ghi: "Ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm" những vật dụng cho việc
ăn trầu hôm nay vẫn thấy, đó là cơi trầu (gắn liền với câu: đàn bà sâu sắc như
cơi đựng trầu), là dao bổ cau (gắn liền với câu: mắt sắc dao cau), là chiếc âu
trầu, là bình vôi, chìa vôi, ống vôi, là khăn, là túi đựng trầu. Nhà giàu còn đựng
được tráp trầu, khay trầu sơn màu khảm trai rất đẹp. Như thế đủ thấy trầu cau gắn
liền với sinh hoạt của nông thôn ta chặt chẽ và lâu đời biết dường nào. Trầu
dùng tiếp khách hàng ngày, như bát chè xanh, như điếu thuốc lào. Trầu làm sính
lễ trong đám hỏi, trầu thay cho thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ, trầu có
mặt trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, Xuân đến, Tết về, trầu cau còn là quà
tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:
"Kiếm một
cơi trầu sang biếu cụ
Xin đôi câu
đối để mừng ông."
Hơn thế, trầu
cau còn là đồ cúng lễ, ngày giỗ. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa
dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của
bậc tiền nhân. Trầu cau gần gũi với sinh hoạt của người Việt như thế nên hiển
nhiên nó cũng trở thành hình tượng của văn học dân gian. Sự tích Trầu Cau là một
câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên cây cau-người
chồng, dây trầu-người vợ và hòn đá (vôi)-đứa em trai chồng... Rồi đến cả trăm
câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian mà tập trung nhất là những
bài, những câu của trai gái nói, hát với nhau gọi là những câu hát trao duyên,
câu hát mời trầu. Hát mời trầu có tới hàng trăm câu hát khác nhau nhưng câu nào
cũng nói tới trầu, cau, vôi, vỏ hoặc nói về cái tài của người bổ cau, têm trầu.
Câu hát mời trầu cũng là câu hát bày tỏ lòng mình. Bên cạnh những "vôi nồng",
"miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những
"trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu
mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu
ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên
chồng". Tục ăn trầu còn gắn với phong tục nhuộm răng đen để có những má hồng
răng đen tiêu biểu của cái đẹp con gái thuở nào. Người thôn nữ má hồng răng
đen, một thuở đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai, như câu ca
xưa:
"Mình về
mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ
hàm răng mình cười
Năm quan mua
lấy miệng cười
Mười quan chẳng
tiếc, tiếc người răng đen."
Lan Anh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét