Tết là ngày mở đầu cho một năm, cũng là ngày mỗi người được trời đất cho thêm một tuổi, bất kể người đó là ai, giàu nghèo sang hèn hoặc trẻ già, ở nông thôn hay thành thị.
Tết là ngày thiêng liêng và quý báu, vì vậy mọi người luôn có những lời chúc Tết để mong ai ai cũng được hạnh phúc, may mắn, khỏe mạnh, tấn tới.
Ngoài những lời chúc Tết thông thường, thì người Việt Nam còn có phong tục đẹp xưa nay, đó là mừng tuổi, mừng tuổi bằng lời nói và mừng tuổi bằng hiện vật, mà cụ thể là tiền gọi là tiềnmừng tuổi. Không ai mừng tuổi bằng hiện vật cồng kềnh khó mang như là mừng đám cưới, và nếu chỉ mừng tuổi bằng lời nói thôi cũng không hoàn toàn là mừng tuổi.
Trước hết mừng tuổi chủ yếu là những người thân nói với nhau, trong gia đình thì con cháu mừng tuổi ông bà cao niên, rồi người cao niên lại mừng tuổi người dưới, mà ưu tiên nhất là những người bé tức tuổi thiếu niên và nhi đồng, với những lời tốt đẹp như hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới, khỏe mạnh…
Tiền mừng tuổi không bao giờ là số tiền lớn có mệnh giá quá to, mà chỉ là những tờ bạc lẻ, mệnh giá thấp hoặc là đồng xu đồng điếu, đồng chinh đồng thau. Một xu là một phần trăm của một đồng bạc, còn đồng chinh là nửa xu. Khá giả hơn một chút thì tiền mừng tuổi là bạc giấy, không đựng trong phong bì phong bao màu đỏ mà đưa trực tiếp bằng tay cho nhau.
Tục lệ cho tiền vào phong bao đỏ là lì xì của người Trung Quốc, người Hoa kiều lan truyền sang người Việt Nam. Các cụ già mừng tuổi cho các con cháu thường là dùng những tờ giấy bạc thật mới, chưa có nếp gấp nào, và gồm nhiều loại tiền có mệnh giá khác nhau để ngụ ý rằng sang năm mới, tuổi mới sẽ có nhiều loại tiền như thế trong cuộc sống.
Còn trẻ em được mấy đồng xu tiền mừng tuổi thì vui mừng, xâu nó vào dải rút để dành hoặc chạy ra đầu làng đầu phố mua nắm mứt trứng chim mà nhai lách rách, hoặc mua vài con pháo tép, pháo chuột hay mấy sợi pháo dây (còn gọi là pháo hoa cà hoa cải) đốt lên không có tiếng nổ mà chỉ nở ra những bông hoa nhiều màu sắc như hoa cà hoa cải vui mắt và làn khói thơm đầy phong vị Tết, mà người lớn không ai cấm đoán. Có em nghèo còn để dành bỏ ống, ra giêng mua cục tẩy, chiếc bút chì đầy niềm vui.
Nhà thơ Hoàng Cầm trong một bài thơ Tết có nhan đề là “Đánh tam cúc” có câu:
“Đứa được chinh chuyền xủng xoảng
Đứa thua đáo gỡ ngoài thềm…”
Chính là nói về mấy em bé nhà nghèo, không được chầu rìa đám chơi tam cúc, phải rủ nhau ra đầu hè, mà đồng xu đồng chinh nơi rải rút quần đung đưa đua theo nhịp bước chân như thế.
Sáng mùng 1 Tết, sau khi dậy, rửa mặt bằng nước nóng có pha lá mùi già cho thơm tho, quần áo ai cũng đã chỉnh tề thì việc mừng tuổi trong gia đình là công việc đầu tiên.
Ông bà cao niên được mời ngồi lên chỗ trang trọng nhất trong nhà để các con cháu quây quần xung quanh mừng năm mới và mừng tuổi các cụ. Liền ngay sau đó là ông bà mừng tuổi lại cho con cháu, vừa là lời chúc Tết vừa trao tiền mừng tuổi.
Ông bà thường đã hết lao động, không hiểu những tờ giấy bạc mới tinh ấy, các cụ để dành từ bao giờ, bây giờ trao vào tay các con các cháu, giá trị vật chất không là bao, nhưng giá trị tinh thần thật lớn lao, đó là tấm lòng vị tha thơm thảo của thế hệ đi trước trao gửi hy vọng vào thế hệ sau, nên tiền mừng tuổi mang đầy ý nghĩa tượng trưng mà thiêng liêng quý báu.
Khách đến xông nhà chúc Tết cũng thường chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con chủ nhà, những em bé đã mặc quần áo đẹp mặt mũi chân tay rửa sạch sẽ. Khách thường không mừng tuổi bằng tiền cho người lớn.
Và chủ nhà cũng đáp lễ, mừng tuổi cho con nhỏ của khách đi theo, mà không mừng tuổi bằng tiền cho khách. Nhiều khi chuyện này chỉ là trao nhau một cách thân tình số tiền mừng tuổi lẫn chủ và khách là bằng nhau, không ai nhiều hơn, ít hơn, nhưng ai cũng hồ hởi, vui vẻ và không có chuyện tính thiệt hơn bao giờ.
Thời bao cấp, cuộc sống đã thay đổi, thay đổi cả một số phong tục tiền mừng tuổi cũng bị coi là lạc hậu, là không nên cho trẻ em tiếp xúc với đồng tiền nên nó bị rơi vào quên lãng, không ai mừng tuổi nhau nữa, kể cả người cao niên với các cháu bé.
Phải đến thời kỳ đổi mới, đời sống được nâng lên rõ rệt, đời sống tinh thần cũng không bị gò bó, các phong tục cũ được sàng lọc, tục lệ mừng tuổi mới được phục hồi. Tuy nhiên, vì nó gắn với cuộc sống hiện đại, cơ chế thị trường đi theo, có đôi trường hợp phiền lòng. Đó là lúc con người nhân viên đi chúc Tết cấp trên, mừng tuổi số tiền quá ít, cậu ấm con ông cán bộ liền vênh mặt kêu rầm lên là “ít thế không thèm” làm cả chủ và khách đều ngượng ngùng, bẽ bàng, ngơ ngẩn.
Lại cũng diễn ra nhiều hình thức mới khác. Người ta lợi dụng phong tục mừng tuổi để trao đổi cho nhau những tờ giấy bạc bằng ngoại tệ, có mệnh giá lớn để ngầm trả giá cho một công việc nào đó, nên mới có những chuyện như một vài ông cán bộ nào đó được đề bạt nhân ngày Tết mang nộp cho nhà nước số tiền mừng tuổi hàng nghìn triệu đồng, nhưng cũng oái oăm thay, chỉ một năm đầu thôi, còn những năm sau không thấy nộp lần nào nữa. Vậy những năm sau không có tiền mừng tuổi hay có mà nó bị ỉm đi, điều này thật oan uổng cho một phong tục đẹp và vui có từ nghìn xưa.
Thực chất của đồng tiền dùng vào việc mừng tuổi không lớn, nó tượng trưng là chính, thể hiện tấm lòng con người (mà trước hết là tấm lòng tình thân ái) với nhau là chính. Ngày nay từ thành thị đến nông thôn, mừng tuổi bằng tiền vẫn đang diễn ra ở mọi nơi trong ngày Tết.
Xin nhắc lại mừng tuổi là đưa tiền trực tiếp chứ không phải dùng bao giấy đỏ như người Trung Hoa hay Hoa kiều, mà những thứ phong bao này có bán khá nhiều vào cuối năm ở phố Hàng Mã hoặc ngay giữa lòng chợ hoa xuân họp đến chiều ba mươi Tết.
Trong mọi trường hợp của đời sống, đồng tiền không có lỗi bao giờ, chỉ có người kiếm tiền và tiêu tiền một cách không chính đáng mới là kẻ có lỗi. Đồng tiền trong phong tục mừng tuổi, mừng cho mỗi con người được đất trời trao thêm một tuổi mới cũng không hề có lỗi vì nó là trong một phạm vi một phong tục có từ xưa, có lẽ không nên bài bác nó như vậy.
Theo: Phong tục Việt
Nước Việt Nam có 53 dân tộc
với những phong tục tập quán khác nhau. Mỗi nơi một nét văn hóa, đặc trưng
riêng nhưng lại có nét tương đồng để hòa hợp lại thành một nước Việt Nam đa sắc
màu văn hóa. Làm thế nào để lấy được tình cảm của người dân tộc Khơ-me? Làm sao
để hiểu rõ người dân của mỗi vùng ta qua?...Hãy để chuyên mục Phong tục tập
quán giúp bạn làm điều đó. Cung cấp đầy đủ những thông tin về phong tục của mỗi
dân tộc, những phong tục từ xưa đến nay của Việt Nam, chuyên mục Phong tục tập
quán sẽ không làm bạn thất vọng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét