Thật kỳ lạ,
xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những
cụ cao tuổi có kinh nghiệm "Tri thiên mệnh", biết trước được ngày mất
của mình, mặc dầu ngày hôm trước vẫn khoẻ mạnh, thậm chí có người còn tính trước
được giờ mất, đánh điện cho con cháu xa về.
Trong trường
hợp đó gia đình phần nào đã chủ động chuẩn bị tang lễ, nhưng những trường hợp
đó rất ít.
Đối với những
người già yếu, có những dấu hiệu gì báo trước giờ hấp hối mà ta có thể quan sát
được?
- Xem thần sắc:
chủ yếu xem hai đáy mắt còn tinh anh không hay đã đục mờ.
- Sờ chân
tay xem còn nóng hay đã lạnh, người sắp chết thường lạnh từ đầu đến chân. Có
người còn nhận biết mình đã chết đến đâu.
- Mạch rất
trầm, có khi người còn sống nhưng không bắt mạch được nữa. Đối với người suy
tim, sờ tưởng như tim đã ngừng đập, nhưng vì đập yếu nên không phát hiện được.
- Để một ít
bông vào lỗ mũi mà bông không còn động đậy tức là đã tắt thở.
Có người đau
ốm lâu dài, bỗng nhiên mạnh khoẻ trở lại rất tỉnh táo, nhiều khi đó là dấu hiệu
của ngọn đèn hết dầu loé sáng lên để rồi tắt ngấm. Các cụ già thường bỏ ăn, hoặc
là rất muốn ăn nhưng ăn được rất ít trước khi mất.
Cũng có trường
hợp, mệnh đã tuyệt nhưng có lẽ vì nuối tiếc con cháu ở xa chưa gặp được, hoặc
do được bổ xâm hồi dương với hy vọng trong muôn một có thể qua khỏi hoặc kéo
thêm ít giờ để tránh ngày xấu như trùng tang, trùng phục... thì có thể kéo dài
thêm chút ít.
Khi thân
nhân sắp chết nên làm gì ?
- Dời người
sắp mất sang phòng chính tẩm, đầu hướng về phía Đông.
- Hỏi xem có
dặn dò trối trăng gì không
- Đặt thụy
hiệu (tức tên hèm) rồi hỏi người đó có đồng ý không.
- Luôn luôn
có người túc trực bên cạnh.
- Người có
theo tôn giáo thì làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.
- Chuẩn bị mọi
thứ để tắm gội (làm lễ mộc dục) và khâm liệm (lễ nhập quan).
Tại sao có
thủ tục hú hồn trước khi nhập quan?
Vì đã có những
trường hợp bị choáng, ngất, bất tỉnh nhân sự.
Người ta
dùng mọi thủ thuật để kích thích thì hồi tỉnh, trong đó có thuật hú hồn hú vía.
Cũng có trường
hợp đã tắt thở, tưởng là đã chết rồi nhưng sau một thời gian bỗng nhiên sống lại.
Do đó với một hy vọng dầu mỏng manh, mặc dầu trong muôn một, người sống tiếc
thương muốn cứu vãn... nên cầm chiếc áo quần của người đã tắt thở, leo lên mái
nhà chỗ cao nhất hú "Ba hồn bảy vía ông" hoặc "Ba hồn chín vía
bà" về nhập xác.
Hú ba lần
không được thì cũng đành lòng chịu khâm liệm mà tin rằng như vậy hồn đỡ vất vưởng,
biết tìm đường về nhà (Khâm liệm xong vẫn chưa nỡ đóng chốt áo quan). Đây là một
phong tục chủ yếu đẻ thoả mãn tâm linh.
Khi thân
nhân chết thì người nhà nên làm những gì ?
Chúng tôi chỉ
nêu lên những việc làm đối với những trường hợp người già yếu, mất tại nhà,
theo phong tục cổ truyền.
Trường hợp mất
tại bệnh viện hoặc mất dọc đường, quán trọ, chết vì tai nạn, gươm súng, xe cộ,
rắn độc, thuỷ hoả tai, chưa đúng kỳ đáng chết... không đủ điều kiện để thực hiện
toàn bộ thao tác và nghi lễ, vậy nên châm chước, tùy nghi vận dụng:
Lúc tắm gội
cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một
cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nối nước ngũ vị hương và một
nồi nước nóng khác.
Lúc tắm, vây
màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng;
"nay xin tắm gội để sạch bụi trần", xong phục xuống, đứng dậy.
Cha thì con
trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm.
Lấy vuông vải
dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc
tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân,mặc
quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để
vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên
giường.
2. Sau lễ mộc
dục thời gian chưa nhập quan:
Đắp chăn hoặc
chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm
úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương.
Có địa
phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập
tràng).
Lễ này theo
tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn
vong hồn đi đường xa được siêu thoát.
Lễ này ngày
nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một
ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.
Theo
"Thọ mai gia lễ", lễ này được tiến hành như sau:
Lấy ít gạo nếp
xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc
trai).
Tang chủ vào
khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: " nay xin phạn hàn, phục
duy hâm nạp".
Người chấp sự
lần lượt xướng "Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm".
Tang chủ ba
lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên
trái, cuối cùng vào giữa.
Xong, bóp mồm
lại, phủ mặt như cũ.
4. Lễ khâm
liệm nhập quan:
Các con vào,
con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần
vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng "Nay được
giờ lành, xin rước nhập quan". "Cẩn cáo" xong lại xướng: phủ phục
(lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các
con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để
đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy
áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên
trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại.
Chú ý: Những
quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì
kiêng không được bỏ vào áo quan.
Đồ khâm niệm:
nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1
mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang).
Ngày trước,
quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ.
Ngày nay,
dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.
"Tục ta
nhiều người tin theo thầy phù thuỷ, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc
Đẩu thất tinh.
Trước khi nhập
quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài
quan tài.
Có người cho
là chết phải giờ xấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn
át ma quỷ" (Trích "Việt Nam phong tục"- Phan Kế Bính - tr.31)
Mọi việc
xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn
người tôn hơn thì đặt sang gian cạnh.
Trường hợp
chết đã cứng lạnh người co rúm không bỏ lọt áo quan thì làm thế nào?
Theo kinh
nghiệm dân gian:
Hơ lửa và nắn
dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật
dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi
thi hài dã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay,
buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái.
5. Lễ thiết
linh: (Sau khi nhập quan)
Là lễ thiết
lập linh vị, đặt bàn thờ tang.
Khi chưa
chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy,
trong linh vị và khăn vấn dùng chữ "Cố phụ", "Cố mẫu" thay
cho "Hiền thảo", "Hiền tỷ".
Tức là con
cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng.
Trước khi
thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang
thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Sau lễ thành
phục mới chính thức phát tang.
Sau đó thân
bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.
Dù thân hay
sơ, đã đến dự đám tang phải nghiêm túc, biểu lộ lòng thành kính đối với người
đã khuất, tình ưu ái đối với tang quyến.
Thật là bất
lịch sự nếu bô bô cười nói, đùa giỡn trong lúc tang chủ đau buồn.
Ở nông thôn,
nhiều nơi còn tục lệ cỗ bàn ăn uống linh đình trong đám tang, thực không hợp
tình, hợp cảnh chút nào.
Đành rằng việc
ăn uống là không tránh khỏi, nhưng chỉ nên hạn chế trong số người đến giúp việc
và thân nhân ở xa về.
Đối với bà
con, làng xóm, khách, bạn thì tang lễ không phải là dịp để "Trả nợ miệng".
Có vui vẻ gì trong lúc tang gia bối rối.
Nếu như chưa
bỏ được thủ tục rượu chè đình đám thì trong lễ tang, mọi người cũng nên tự kiềm
chế mình, giúp được việc gì thì tận tình giúp đỡ, không tiện về nhà ăn cơm thì
cũng không nên hạch sách, trách móc.
Thói cũ
"Ma chê, cưới trách" có hay ho gì!
Cũng cần lưu
ý các bạn trẻ: Khi đi dự đám tang không nên ăn mặc loè loẹt, hở hang, lố lăng,
như vậy rất không hợp cảnh sẽ gây khó chịu cho nhiều người.
Khi ra đường
gặp đám tang nên làm những gì ?
Nếu gặp đám
tang ngược chiều, không ai bảo ai, dù vội đến đâu cũng đều xuống xe, kể cả người
đi xe máy, xích lô đều ngả mũ nón, dắt bộ qua đám tang rồi mới lên xe. Ô tô thì
chậm lại, không bóp còi.
Nếu đi cùng
chiều, không tiện xuống xe thì đi chậm lại và ngả mũ.
Thân nhân đi
tiễn đưa đều tự giác đi có hàng lối, trật tự. Lái xe đám tang ăn mặc theo lễ phục,
tác phong cử chỉ rất nghiêm trang.
Người xưa
dùng những vật gì lót vào áo quan?
Trong các
ngôi mộ cổ khai quật được, ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo
quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu...
Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng.
Các thứ đó đều
là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời
xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải
xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng.
Việc để tang
ở nước ta chia ra đại tang và tiểu tang.
Về tiểu tang
có 4 bậc, đại tang chỉ có một bậc. Đại tang và tiểu tang gồm tất cả 5 bậc, gọi
là ngũ phục.
1. Đại tang:
để tang 3 năm.
Thời gian để
đại tang là 3 năm, nhưng trên thực tế, người ta chỉ để đại tang có 27 tháng.
Trong thơ bà
Hồ Xuân Hương cũng đã nói tới điều này. Khi ông Phủ Vĩnh Tường mất, bà làm bài
thơ để khóc ông ta trong đó có hai câu nói về việc để tang:
"Hai bảy
tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm ông
Phủ Vĩnh Tường ơi!"
Đại tang dành
cho con để tang cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi, nàng dâu để tang cha mẹ chồng, vợ để
tang chồng, cháu đích tôn thừa trọng (thay cha khi cha mất) để tang ông bà, và
chắt thừa trọng (thay cha và ông khi cha và ông đều mất) để tang cụ ông cụ bà.
Theo tục lệ,
tiểu tang có nhiều loại với tên khác nhau và thời gian để tiểu tang cũng khác
nhau tùy theo thân sơ.
a. Cơ niên:
để tang một năm
Để tang một
năm còn gọi là cơ niên.
Để tang một
năm dành cho cha mẹ để tang cho con trai, con dâu trưởng, và con gái (chưa đi lấy
chồng); chồng để tang cho vợ; con rể để tang cho cha mẹ vợ; anh em và chị em
(chưa đi lấy chồng) kể cả anh chị em cùng cha khác mẹ để tang cho nhau; em để
tang cho chị dâu trưởng; cháu trai và cháu gái (chưa đi lấy chồng) để tang cho
ông bà nội; cháu để tang cho chú bác ruột và cô ruột (chưa đi lấy chồng); cháu
dâu để tang cho ông bà nhà chồng.
b. Đại công:
để tang 9 tháng
Để tang 9
tháng còn gọi là đại công.
Để tang 9
tháng dành cho cha mẹ để tang con gái (đã đi lấy chồng) và con dâu thứ; chị em
ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau; anh em con chú con bác ruột để tang
cho nhau; chị em con chú con bác ruột (chưa đi lấy chồng) để tang cho nhau.
c. Tiểu
công: để tang 5 tháng
Để tang 5
tháng còn gọi là tiểu công.
Để tang 5
tháng dành cho anh chị em cùng mẹ khác cha để tang cho nhau; chị em con chú con
bác ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau; con để tang cho dì ghẻ; cháu để
tang cho ông chú, bà bác, và bà thím; cháu để tang cho bà cô (chưa đi lấy chồng),
chú họ, bác họ, thím họ, cô họ (chưa đi lấy chồng), ông bà ngoại, cậu, và dì ruột;
và chắt để tang cho cụ ông cụ bà bên nội.
d. Ti ma: để
tang 3 tháng
Để tang 3
tháng còn gọi là ti ma.
Để tang 3
tháng dành cho cha mẹ để tang cho con rể; con cô con cậu và đôi con dì để tang
cho nhau; cháu để tang cho ông chú họ, ông bác họ, bà cô họ (chưa đi lấy chồng),
bà cô (đã đi lấy chồng), và cụ cô (chưa đi lấy chồng); chắt để tang cho cụ chú
cụ bác; và chút để tang cho kỵ ông kỵ bà bên nội.
Chúng ta nhận
thấy một điều nổi bật nhất trong việc để tang của người Việt là quan niệm
"trọng nam khinh nữ," chẳng hạn như thời gian vợ để tang chồng là 27
tháng, tức là đại tang.
Còn chồng để
tang vợ chỉ có một năm và được coi là tiểu tang mà thôi.
Một điều đặc
biệt nữa là khi người con gái đã đi lấy chồng thì bị coi là ngoại tộc, đúng với
quan niệm “nữ nhân ngoại tộc" và "dâu là con rể là khách.”
Người đàn
bà, nếu đã đi lấy chồng, khi mất đi, được thân nhân để tang một thời hạn ngắn
hơn là lúc chết mà chưa có chồng.
Việc để tang
của ta đã thể hiện một nền văn minh lâu đời, có tôn ti trật tự, có phép tắc hẳn
hoi, và thân sơ phân biệt rõ ràng.
Việc để tang
cần phải học hỏi và được giáo dục mới biết và thực hiện đúng theo phong tục được.
Nhìn vào việc
con cái để tang ông bà hay cha mẹ mà người ta biết được gia đình đó có giáo dục
theo nếp Việt hay không.
Để tiện công
ăn việc làm và lo cho đời sống hằng ngày, ngày nay đồ tang phục chỉ được mặc
cho đến khi chôn cất thân nhân xong.
Sau đó, người
ta đeo một cái băng màu đen ở tay áo trái rộng độ 10 phân đối với đàn ông trong
trường hợp đại tang, và đeo một miếng vải đen nhỏ bằng đầu ngón tay cái ở nẹp
áo trước ngực hay ở trên mũ trong trường hợp tiểu tang.
Còn đàn bà,
người ta thường vấn khăn trắng hay cài miếng vải đen ở trước ngực phía trái khi
mặc áo dài.
Thời xưa, dẫu
làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về cư tang 3 năm
trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài.
Lệ này không
quy định đối với binh lính và nha lại.
Nếu ai vì
tham quyền cố vị, giấu diếm không tâu báo để về cư tang, bị đàn hặc vì tội bất
hiếu, sẽ bị triều đình sử phạt biếm truất.
Trong thời
gian cư tang, lệnh vua không đến cửa.
Ba năm cư
tang là ba năm chịu đựng gian khổ, nhẫn nhục, không dự mọi cuộc vui, không dự lễ
cưới, lễ mừng, không uống rượu (ngoài chén rượu cúng cha mẹ), không nghe nhạc
vui, không ngủ với vợ hoặc nàng hầu, trừ trường hợp chưa có con trai để nối dõi
tông đường, ngoài ra ai sinh con trong thời kỳ này cũng bị coi là bất hiếu.
Không được mặc
gấm vóc, nhung lụa, không đội mũ đi hia, thường đi chân không, cùng lắm chỉ đi
guốc mộc hoặc giày cỏ.
Dầu làm đến
tể tướng trong triều, khi khách đến viếng cha mẹ mình, bất kể sang hay hèn cũng
phải cung kính chào mời và lạy tạ (hai lạy hay ba vái dài).
Khi ra đường,
không sinh sự với bắt cứ người nào. ở trong nhà, đối với kể ăn người ở cũng
không được to tiếng.
Ba năm sầu
muộn, tự nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với kẻ dưới, cung kính với
khách bạn, để tỏ lòng thành kính với cha mẹ.
Thời nay
không còn lệ cư tang, nhất là các con cháu không có điều kiện nghỉ việc thời
gian dài, nhưng biết qua lệ cư tang của ông cha ta ngày xưa, hậu sinh có thể học
được điều gì trong thái độ ứng xử?
Cha Mẹ có để
Tang con không ?
Tang phục là
thể hiện tình nghĩa, có phân biệt thân sơ "Họ đương 3 tháng, láng giềng 3
ngày", thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất người còn.
Vì thế, chẳng
những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang. Theo
"Thọ mai gia lễ" thì chẳng những cha mẹ để tang con mà ông bà và cụ kỵ
cũng để tang hàng cháu, hàng chắt.
"Thọ
mai gia lễ" quy định như vậy nhưng một số địa phương Bắc bộ quan niệm
"Phụ bất bái tử" (cha không lạy con).
Con chết trước
cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời,
chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu
tử thi một vòng khăn trắng.
Nếu là đàn
bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi
âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.
"Ruộng
hương hoả" là ruộng dành riêng giao cho tộc trưởng lo việc phụng thờ hương
khói cho cha ông, tổ tiên.
Ruộng hương
hoả lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ruộng hương hoả không được chia, không
được bán.
Luật nhà vua
cấm bán ruộng hương hoả.
Chừng nào
cánh cửa trưởng không còn người nối dõi tông đường hoặc đi biệt xứ xa quê, họ
khuyết tộc trưởng thì người con trưởng hoặc đích tôn thừa trọng của cánh hai
lên thay, tiếp tục hưởng ruộng hương hoả và lo việc giỗ tết hương khói.
Chừng nào
toàn bộ con cháu trong họ đều phiêu cư bạt quán ( con gái không được tính đến )
thì người cuối cùng đang hưởng hương hoả nếu có khó khăn đặc biệt làm đơn xin
bán, lý trưởng nào làm sai luật lệ trên sẽ bị quan xử phạt, nếu trong họ có người
thưa kiện.
Vì có ruộng
hương hỏa nên việc tế tự được duy trì bền vững, dù họ lớn hay bé, thành đạt hay
bình thường, dù tộc trưởng giàu hay nghèo, sang hay hèn, già hay trẻ (có khi mới
chỉ là đứa bé con năm bảy tuổi), việc tế tự vấn uy nghi đông đủ.
Bàn thờ vọng
là gì ? Và cách lập bàn thờ vọng :
Bàn thờ vọng
ngày nay khá phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê, hướng vọng về quê, thờ
cha mẹ ông bà tổ tiên, hương khói trong những ngày giỗ, tết. Ngày xưa, với nền
kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp, người nông dân suốt đời không rời quê cha
đất tổ, chuyển cư sang làng bên cạnh cũng đã gọi là biệt quán, ly hương, vì vậy
bàn thờ vọng chỉ là hiện tượng cá biệt và tạm thời, chưa thành phong tục phổ biến.
"Vọng
bái", nghĩa là vái lạy từ xa.
Ngày xưa,
khi triều đình có những điển lễ lớn, các quan trong triều tập trung trước sân rồng
làm lễ, các quan ở các tỉnh hoặc nơi biên ải, thiết lập hương án trước sân công
đường, thắp hương, nến, hướng về kinh đô quỳ lạy Thiên tử.
Khi nghe tin
cha mẹ hoặc ông bà mất, con cháu chưa kịp về quê chịu tang, cũng thiết lập
hương án ngoài sân, hướng về quê làm lễ tương tự.
Các bàn thờ
thiết lập như vậy chỉ có tính chất tạm thời, sau đó con cáo quan xin về cư tang
ba năm.
Các thiện
nam tín nữ hàng năm đi trẩy hội đền thờ Đức Thánh Trần ở Vạn Kiếp, đức Thánh Mẫu
ở Đền Sòng v.v... dần dần về sau, đường sá xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn,
cũng lập bàn thờ vọng như vậy.
Nơi có nhiều
tín đồ tập trung, dần dần hình thành tổ chức.
Các thiện
nam tín nữ quyên góp nhau cùng xây dựng tại chỗ một đền thờ khác, rồi cử người
đến bàn thờ chính xin bát hương về thờ. những đền thờ đó gọi là vọng từ (thí dụ
ở số nhà 35 phố Tôn Đức Thắng Hà Nội có "Sùng Sơn vọng từ" nghĩa là Đền
thờ vọng của núi Sòng, thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Bàn thờ vọng
ông bà cha mẹ chỉ được tập trung trong trường hợp sống xa quê. Những người con
thứ, bất cứ giàu nghèo, sang hèn thế nào, nếu ở gần cánh cửa trưởng trên đất tổ
phụ lưu lại, thì đến ngày giỗ, ngày tết, con thứ phải có phận sự hoặc góp lễ,
hoặc đưa lễ đến nhà thờ hay nhà con truởng làm lễ, cho dù cửa trưởng chỉ thuộc
hàng cháu, thì chú hoặc ông chú vẫn phải thờ cúng ông bà tại nhà cửa trưởng. Do
đó không có lệ lập bàn thờ vọng đối cửa thứ ngay ở quê nhà.
Nếu cửa trưởng
khuyết hoặc xa quê, thì người con thứ 2 thế trưởng được lập bàn thờ chính, còn
bàn thờ ở nhà người anh cả ở xa quê lại là bàn thờ vọng.
Phong tục rất
hay và rất có ý nghĩa.
Bởi lẽ chữ
Hiếu đi đôi với chữ Đệ.
Khi sống
cũng như đã mất, ông bà cha mẹ bao giờ cũng mong muốn anh chị em sống hòa thuận,
một nhà đầm ấm.
Thỉnh vong hồn
về cầu cúng lễ bái, mà anh chị em ở gần nhau không sum họp, mỗi người cúng một
nơi, thì đó là mầm mống của sự bất hoà, vong hồn làm sao mà thanh thản được.
Chưa phải là
phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền
cho nhau khoảng đầu thế kỷ lại nay tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng: Khi bắt
đầu lập bàn thờ vọng phải về quê chính báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính.
Sau đó xin
phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy giở mang đến bàn thờ
vọng rồi thắp tiếp.
Nếu có nhà
riêng, tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng
chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao
hơn chỗ tiếp khách.
Nếu đặt bàn
thờ gia thần riêng, thì phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít.
Đặt hướng
nào? - Hướng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng
vái lạy về quê.
Thí dụ người
quê miền Trung sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng phía Nam căn phòng hay ngoài
sân, ngoài hiên.
Không nên đặt
bàn thờ trong buồng ngủ, trừ trường hợp nhà chật hẹp quá thì phải chịu. Không
nên đặt cạnh chỗ uế tạp, hoặc cạnh lối đi.
Đối với những
gia đình ở khu tập thể nhà tầng, nếu câu nệ quá thì không còn chỗ nào đặt được
bàn thờ.
Những người
sống tập thể, chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là
có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.
Hợp tự là
gì? Tại sao phải hợp tự?
Hợp tự nghĩa
là rước các tiên linh các đời vào thờ chung trong cùng một nhà thờ của đại tôn
hay của từng tiểu chi.
Theo phong tục
cổ truyền: Năm đời tống giỗ, hay "Ngũ đại mai thần chủ" (Đến 5 đời
thì chôn thần chủ).
Thực chất chỉ
có bốn đời, tức là làm giỗ cha mẹ (đời 2), ông bà (đời 3), cụ ông cụ bà (hay cố
4 đời) và kỵ (hay can 5 đời).
Cao hơn kỵ gọi
chung là tiên tổ, thì không cúng giỗ nữa, mà rước chung tất cả thuỷ tổ, tiên tổ
các đời vào chung một nhà thờ mỗi năm tế một lượt.
Thần chủ con
cúng cha mẹ, đề là Hiền khảo, Hiền tỷ, đến khi người con trưởng chết, cháu đích
tôn cúng ông bà, đối thần chủ là Hiền tổ khảo, Hiền tổ tỷ, đến lượt cháu trưởng
mất, chắt trưởng tiếp tục thờ cụ là Hiền Tằng tổ khảo (hoặc tỷ), chít (chiu)
trưởng thờ kỵ là Hiền Cao tổ khảo (hoặc tỷ).
Sau năm đời
thì rước vào nhà thờ tổ rồi chôn thần chủ đó đi.
Trong nhà thờ
tổ chỉ để duy nhất có một ngôi thần chủ cao nhất (thuỷ tổ hoặc tiên tổ bậc cao
nhất của nhà thờ chi đó) gọi là "Vĩnh thế thần chủ".
Gộp chung tất
cả tiên tổ của nhiều đời lại để tế chung thay cho từng lễ giỗ, đó là hình thức
hợp tự cổ truyền.
Song trong
phong tục đó còn có nhiều điều bất tiện: Chỉ con trưởng, cháu trưởng, chắt trưởng
v.v... nối dòng qua nhiều đời mối được thờ ở nhà thờ chính.
Vì vậy con,
cháu, chắt những ông con thứ qua nhiều đời phải xây nhiều nhà thờ lớp con thứ,
lớp cháu thứ, lớp chắt thứ v.v...
Nếu cứ thế
tiếp tục mãi, thì có nơi số nhà thờ còn nhiều hơn cả số nhà ở của người dương
trần.
Chính vì lẽ
trên, nên hồi đầu thế kỷ XX ở nhiều nơi đã có phong trào tiến hành hợp tự vào
các nhà thờ họ: Dầu cửa trưởng hay cửa thứ, sau khi mất, hết vòng tang, đều được
rước linh vị vào thờ ở nhà thờ chung của họ. Linh vị xếp theo thứ tự trên dưới.
Đến ngày giỗ
người nào, thì đưa linh vị người đó vào hàng giữa theo thứ bậc, cúng xong lại xếp
vào vị trí cũ.
Việc hợp tự
như vậy: trước là hợp với tâm linh, con cái ở dưới chân cha mẹ, cháu chắt về với
tổ tiên, tượng trưng sự đoàn tụ ở cõi âm, sau nữa thuận tiện cho việc chung sức,
chung lòng xây dựng nhà thờ, mua sắm tế khí, quanh năm hương khói, gắn bó thêm
mối tình ruột thịt trong nội thân.
Song cũng có
những gia đình, kinh tế dồi đào hơn, lại ở cách xa nhà thờ đi lại bất tiện, nên
họ cúng riêng, tiện hơn, không hợp tự.
Do đó, ngày
nay nên vận động hợp tự, trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện
Theo tập
quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài
việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ.
Ðây cũng là
dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người
đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong.
Vào dịp đó
người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng
sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp,
kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn.
Với ý nghĩa
"Uống nước nhớ nguồn" việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.
Ngày giỗ
theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên,
ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.
Nguyên ngày
trước, "Lễ giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ"; chiều hôm trước lễ
chính kỵ có "lễ tiên thường" (nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh
một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước.
Ngày xưa, những
nhà phú hữu mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần
hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản
lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ.
Tóm lại, nếu
vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ
tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi
sáng.
Theo gia lễ:
"Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của
cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào
thần chủ ông khảo.
Theo nghĩa cửu
tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn,
huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ)
tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ.
Từ
"Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập
chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.
Những người
đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con
gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp
tự (không có con trai nối giòng).
Những người
đó có cúng giỗ.
Người lo việc
giỗ chạp là người cháu (con trai anh hoặc anh ruột) được lập làm thừa tự.
Người cháu
thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người
thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.
Những người
chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa
phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ.
Những người
đó không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ.
Có những gia
đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như
người thân còn sống trong gia đình.
Ðiều này
không có trong gia lễ nhưng thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân
nhân đã khuất.
Mâm cỗ ở mỗi
vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6
người.
Thông thường
người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có
khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ.
Người nhà chủ
tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào
cùng mâm.
Những người
có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau
vào một cỗ.
Đàn ông vào
cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.
Cỗ là bữa ăn
đặc biệt có tính chất long trọng, thân tình được tổ chức trong gia đình như: cỗ
cưới, cỗ nhà đám, giỗ chạp, mừng một sự thành công, mừng cha mẹ sống lâu, tết
nhất...
Riêng cỗ mừng
thọ của cha mẹ là do con cái đóng góp làm cỗ, các con trai làm các món ninh
giò, mọc, nem, các con dâu làm các món bánh rồi quây quần với nhau ăn cỗ.
Ở các gia
đình khá giả hoặc ở thành phố, cỗ khai trừ tất cả các món ăn mà thường ngày
dùng như dưa, cà, cá kho, rau muống...
Có nhiều loại
cỗ, cỗ tứ quý gồm 4 thứ hải sản chế biến thành mâm cỗ, cỗ cưới có xôi gấc đỏ, cỗ
nhà đám có xôi trắng, cỗ mặn, cỗ chay...
Có mâm cỗ một
tầng, hai tầng, hoặc năm tầng, như ở 49 làng Quan họ xưa.
Trước đây, ở
nông thôn cũng như thành phố đều có những phường nấu cỗ thuê do các nghệ nhân
sành, thạo đời, khéo tay đảm nhiệm.
Họ thường có
kỹ thuật cao và cha truyền con nối. Họ có được những món truyền thống độc đáo.
Những người
nấu cỗ thuê rất hãnh diện về nghề và được đi nấu ở nhiều nơi, chủ yếu là để lấy
tiếng chứ không vì vật chất.
Họ góp ý kiến
với nhà chủ, ra thực đơn rồi chia nhau mỗi người làm một hoặc nhiều món sở trường.
Mâm cỗ một tầng
cơ bản thường là 5 bát: bóng, miến, măng, mọc, chim hoặc gà tần và năm đĩa:
giò, chả, gà hoặc vịt luộc, nộm, xào.
Có khi gia
giảm bằng các món rán, nướng, quay hoặc nem Sài Gòn, xôi, chè, được xếp phía
ngoài để ăn sau cùng.
Bát nước mắm
chấm có hồ tiêu, chanh, ớt hoặc cà cuống đặt giữa mâm.
Người uống
được rượu thích những món có kèm xương xẩu hoặc sụn như đầu gà, cánh gà hoặc
món nộm có đủ chua ngọt, cay, bùi, giòn, mềm.
Rau thơm thường
dùng húng láng thơm ngát, kinh giới thơm thanh cao hoặc rau ngổ có mùi thơm sắc
gọn mà dữ dội.
Cỗ ở miền
Nam có thêm chả nướng ăn với rau thơm, khế, chuối xanh, giá, đậu phộng, bánh
tráng...
Mâm cỗ Việt
Nam thơm ngon có truyền thống lâu đời, không cầu kỳ nhưng có đủ mùi vị, màu sắc.
Trên bát
bóng có những lát bóng trắng ngọc, điểm mấy lát trứng tráng vàng, vài con tôm đỏ,
vài quả đậu Hà Lan xanh, nấm hương màu nâu.
Trên bát miến
có gan gà màu vàng đậm, tiết màu đỏ huyết dụ, thịt nạc màu trắng đục, mộc nhĩ
đen nâu, ở giữa có một nhúm rau mùi xanh rờn.
Khoanh giò
thái ra có màu trắng ngon lành, hành xanh có củ trắng ngần, ớt đỏ hoặc vàng
tươi trang điểm cho bát nước chấm vàng nâu... mâm cỗ là một bức tranh đẹp và hấp
dẫn.
Ăn cỗ xong
khách còn ăn xôi, chè hoa cau, chè cốm hoặc chè đậu đãi, rồi ra bàn bên cạnh uống
nước trà, hút thuốc, ăn trầu.
Lúc khách ra
về, chủ và khách chắp tay trên ngực, nói với nhau vài câu quý hóa rồi cùng vái
nhau mấy vái.
Cái kiểu
chào này thật trang trọng, thân mật, giản dị, đượm màu sắc Phật giáo.
Một số khách
vừa thân tình vừa có họ với nhà chủ ở lui lại một chút.
Họ nhận phần
gồm một nắm hoặc một đĩa xôi, có thêm miếng thịt hay quả chuối, vì thế mới có
câu: Có xôi có thịt mới nên phần.
Cỗ Việt Nam
là cả một công trình, nó không phải là tiệc, không phải là liên hoan. Nó có cái
độc đáo của nó, có điều ngày nay các phường nấu cỗ thuê không tồn tại nữa, kho
tàng nghệ thuật ẩm thực Việt Nam cũng mất đi nhiều điều quý báu.
Phải chăng,
các nhà làm bếp bây giờ cần phải đi tìm lại kỹ thuật nấu cỗ của người xưa để bữa
cỗ Việt Nam được vừa dân tộc, vừa khoa học hơn.
Ẩm thực cũng
là điều thiêng liêng, là nghệ thuật, là văn hóa.
Tổng hợp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét