Mẹ không nhớ
ngày mẹ có bạn trai, bà ngoại đã lo lắng như thế nào. Nhưng mỗi lần bố mẹ về
thăm, bà rất thích nhắc tới những ngày bố mới “chập chững về làm rể”. Nay con
đã lớn, đã có bạn trai về thăm nhà mình, mẹ cũng lo lắng, sắp đặt mọi điều, bố
cũng bồn chồn lây.
Mẹ từng dạy
con phải biết chăm sóc mọi người. Sự quan tâm đúng lúc, đúng mực sẽ làm con và
những người quanh con cảm thấy dễ chịu. Nhưng con hãy nhớ, nếu con chăm chút
người ấy quá kỹ thì vô tình con biến họ thành “em” của con. Hãy nói với cậu ấy
những lời ngọt ngào nhưng đừng quá nhu nhược và ướt át. Cũng không nên tỏ ra ta
đây là chủ nhà nên tranh thủ “bắt nạt” người ta. Bạn trai con về nhà mình là để
tìm hiểu về con, về gia đình mình. Vì thế cũng không cần phải tạo cho cậu ấy một
cảm giác “màu hồng” và hoàn hảo. Có thể có những điều riêng tư mình chưa cần
cho cậu ấy biết, nhưng cậu ấy phải hiểu và cảm nhận được “cái nôi” con sinh ra
và lớn lên. Hãy cứ để cho cậu ấy thoải mái và tự nhiên.
Bố mẹ muốn
biết bạn trai con là người như thế nào, tự lập hay phụ thuộc. Con hãy để cậu ấy
làm những điều nhỏ nhất mà cậu ấy có thể làm được. Khi con nấu cơm, bạn con sẽ
làm việc cùng con. Có thể bạn ấy làm không gọn gàng nhưng đừng vì thế mà để bạn
ấy ngồi xem ti vi hay chơi game. Mẹ sợ nhất những người đàn ông thờ ơ trong khi
vợ thì loay hoay không hết việc. Hãy để cho "người bạn đời tương lai"
biết đó là nếp của nhà mình. Bố có thể lau nhà khi mẹ bận nấu cơm, em trai con
trước khi muốn đi chơi phải rửa xong bát đũa.
Con hãy nhớ,
con là bạn, và sau này là vợ chứ không phải là bảo mẫu, là mẹ của người ta. Bạn
ấy muốn được con chăm sóc thì phải học cách chăm sóc con. Mình không đủ sức khỏe,
sự kiên nhẫn để suốt đời chăm bẵm người khác đâu. Hãy tập cho bạn ấy biết san sẻ
công việc, biết cảm nhận sự mệt nhọc của người khác. Con có thể tận tụy với cuộc
sống gia đình, nhưng đừng vì gia đình mà hy sinh bản thân, con nhé! Mẹ muốn con
được chăm sóc, nâng niu, tôn trọng vì con xứng đáng được điều này. Con hãy tập
cho "người đàn ông trụ cột" tự nguyện và sẵn sàng làm việc đó.
Trong bữa
ăn, con không cần gắp miếng ngon nhất cho bạn ấy đâu. Có thể con nghĩ đó là miếng
ngon nhưng chưa chắc đã hợp với khẩu vị của người ta, con ạ. Quan trọng hơn là
cứ để bạn ăn uống theo sở thích. Sự nhường nhịn sẽ làm cho bạn ấy thấy mình nhỏ
bé và thụ động. Nếu con tập cho bạn ấy quen với những bữa ăn ngon ngay từ những
ngày quen nhau, có thể bạn ấy sẽ kỳ vọng con là người nội trợ giỏi. Nhưng mẹ
nghĩ, mẹ sinh ra con không phải chỉ để làm “bà nội trợ”. Con sẽ bận rộn với
công việc, với các mối quan hệ ngoài xã hội. Mẹ sợ bạn trai con sẽ thất vọng vì
điều này. Bữa ăn gia đình bây giờ không cần bày biện món này món kia. Quan trọng
là ánh mắt ấm áp, nụ cười rạng rỡ, thái độ ân cần của các thành viên trong gia
đình. Con đừng để cậu ấy cảm giác mình đang làm khách. Con cứ để cậu ấy tự
nhiên trong bữa ăn với gia đình mình.
Nếu định mua
áo cặp thì con hãy chọn màu mình thích chứ đừng vì sở thích của người ta. Nếu
con làm mọi thứ theo ý muốn của người khác, mẹ sợ con sẽ đánh mất “thương hiệu
riêng” của mình. Có thể khi yêu, con nghĩ sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Có thể
con nghĩ lấy nhau rồi “tuy hai nhưng là một”. Mẹ muốn trong cuộc sống con luôn
tìm được sự hòa hợp, nhưng mẹ không muốn con mình bị hòa tan. Sinh con ra, nuôi
con lớn khôn với mẹ là một “công trình”. Mẹ không muốn thành quả của mẹ sẽ biến
thành cái bóng của người khác. Mẹ luôn muốn con là con, con vui vẻ, bình yên và
hạnh phúc. Người khác sẽ vì thế mà yêu con và thay mẹ chăm sóc con. Mẹ sợ cảm
giác con mình sống phụ thuộc. Trong hôn nhân cần bình đẳng, công bằng mới bền
con ạ.
Mẹ muốn dặn
con đôi điều vậy thôi. Có rất nhiều điều lớn hơn con đã học được qua trải nghiệm
của mẹ. Cảm ơn con vì con mang thêm thành viên mới về với gia đình mình. Mẹ muốn
rể là con chứ không phải là khách như một số người vẫn nghĩ.
Theo
Phunuonline
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét