Nghi
lễ, phong tục tập quán chính là những yếu tố văn hoá quan trọng mang tính điều
tiết các quan hệ con người trong cộng đồng bằng những quy tắc xác định. Người
Gia-rai luôn coi trọng đến nghi lễ đời người gắn liền với những giai đoạn xác định
như: Nghi lễ trong giai đoạn sinh: quan niệm về sinh đẻ; nghi lễ trong thời kỳ
người phụ nữ mang thai, gồm có: Nghi lễ cầu cho con khi chào đời được dễ dàng
sau ba tháng mang thai hay còn gọi là lễ nắn bụng, Nghi lễ cầu cho mẹ sinh nở dễ
dàng sau sáu tháng mang thai; Nghi lễ trong thời kỳ sinh đẻ; Nghi lễ ở tuổi vị
thành niên, gồm có: Nghi lễ đặt tên, Nghi lễ nhập hồn cho trẻ (Yang Yun), Nghi
lễ thổi tai (pơhet tơngia), Nghi lễ làm vòng đeo tay (ngă kông).
Trong
chu kỳ đời người, tiếng khóc chào đời đánh dấu sự xuất hiện quan trọng của một
thành viên mới, không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà cho cả tộc người. Vì lẽ
đó, khi đang còn là thai nhi, con người cũng được xem trọng không kém và luật tục
Gia-rai cũng dành nhiều quy định cho khoảng thời gian này. Để thai nhi khoẻ mạnh,
phát triển tốt, người Gia- rai thường có một số kiêng kỵ (kõm) trước và sau khi
sinh, được áp dụng cho tất cả cộng đồng của plei.
Trong
giai đoạn trưởng thành, người Gia-rai đánh dấu sự trưởng thành của con người và
chính thức được cộng đồng thừa nhận (về nhận thức và hiểu biết) để thực hiện
hàng loạt những vấn đề quan trọng của cuộc đời như: xây dựng gia đình rồi làm
cha - làm mẹ và làm chủ cuộc sống... bằng những nghi lễ như: Nghi lễ trưởng
thành (lễ cà răng), Nghi lễ cầu sức khoẻ cho người đến tuổi trưởng thành; Nghi
lễ cưới: xác định quan điểm về việc cưới, Nghi lễ cưới xin; Nghi lễ hiếu nghĩa
và cầu an: Nghi lễ báo hiếu cha mẹ, Lễ kết nghĩa anh em, cha con; Nghi lễ cúng
thần sức khỏe; Lễ tẩy uế, Lễ cúng xả xui, Lễ cúng thần sấm.
Khi
đứa trẻ chào đời, nó vẫn chưa được xem là thành viên trong gia đình và cộng đồng,
bởi giai đoạn này đứa trẻ đang hoàn toàn nằm trong “sự kiểm soát” của thần linh.
Người Gia-rai cho rằng, trong vòng một tháng sau khi sinh, trẻ chưa hẳn là con
của mình, bởi chúng còn chịu sự rình rập của một con ma xấu nào đó. Qua khỏi thời
hạn này, lễ đặt tên được tiến hành để đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong
cuộc đời của trẻ. Khác với một số tộc người, lễ đặt tên trong phong tục
Gia-rai, sớm nhất là sau một tuần đến hơn một năm, điều này tuỳ thuộc vào sức
khoẻ của trẻ. Nghi lễ này tuy đơn giản về mặt hình thức, nhưng về vai trò linh ứng
lại rất quan trọng. Người Gia-rai cho rằng, những đứa trẻ muốn lớn lên nhanh
chóng, khoẻ mạnh, phải được sự phù hộ của Yang. Cho nên ngay khi sinh con, gia
đình thường làm lễ vật (gồm có gà, xôi…) báo với Yang về sự có mặt của đứa trẻ,
tạ ơn Yang đã cho hình hài lành lặn và cầu xin Yang bảo bọc suốt cuộc đời
chúng. Tiến hành lễ đặt tên, người Gia-rai thường làm 1 con gà, dùng máu chấm
lên trán trẻ - với ý nghĩa chúc phúc và đánh dấu sự hiện hữu của một thành viên
mới đối với gia đình, cộng đồng plei, tạ ơn thần linh đã chấp nhận cho họ, một
sự bổ sung vào cộng đồng một mầm sống. Đứa trẻ lớn lên nơi vùng sơn nguyên với
cảnh quan địa lý chuyển hóa đa dạng, kì thú: có vùng trũng, vùng đồi, có bình
nguyên, cao nguyên, có núi thấp, có núi cao, có suối sâu, vực thẳm kề bên sông
hồ lững lờ…đã tạo nên môi trường thuận lợi cho mỗi con người của tộc người có
điều kiện “rèn đúc” khí chất riêng, có phần độc đáo riêng của mình. Trẻ em dân
tộc Gia-rai nói riêng và các dân tộc ở Tây nguyên nói chung phần lớn được tập
dượt lao động ngay từ khi còn bé. Hằng ngày, các em theo mẹ lên nương rẫy nên từ
rất sớm các em đã biết cầm dao, cầm cuốc để đốn cái cây, tỉa hạt bắp. Đến tuổi
trưởng thành, các em được cha mẹ dạy cho đan lát, dựng nhà, đi rừng đốn củi,
cách sử dụng cung tên, dao mác và đi săn. Con gái được cha mẹ bày cho cách trồng
trọt, xe sợi, dệt vải, tuốt lúa, chăn nuôi gà, lợn… Bởi vậy, trong các nghi lễ
vòng đời, nghi lễ trưởng thành đóng vai trò rất quan trọng. Nghi lễ này như một
nét đẹp văn hoá kết tinh phẩm chất và trí tuệ của con người: chàng trai chỉ được
xem là đã lớn khôn khi vào một ngày định trước phải đi vào rừng tìm diệt thú dữ
(lợn lòi, bò rừng, trâu rừng,…) để đem con mồi về làm chứng tích chiến công với
plei nhằm “cầu báo với Giàng, rằng chàng trai này đã đủ sức khoẻ và tài năng,
ném được cái lao, phóng được mũi tên diệt thú…Từ buổi ấy, chàng trai được hội đồng
già làng thừa nhận là thành viên của cộng đồng, đủ sức để bảo vệ buôn, plei”
Đến
giai đoạn cuối của cuộc đời, nghi lễ tang là một trong những nghi lễ lớn của
người Gia-rai và tương đối đồng nhất giữa các nhóm Gia-rai và được thể hiện bởi:
Nghi lễ tang, gồm có: Đám tang của người chết bình thường, Đám tang của người
chết không bình thường (chết dữ, chết bất đăc kỳ tử); Những nghi lễ sau khi
chôn, gồm có: Kiêng tắm (hoă mnơi), Nuôi ma; Lễ bỏ mả, gồm có: công đoạn chuẩn
bị và dựng nhà mồ, Lễ bỏ, Lễ giải phóng cho người sống
Các
nghi lễ này là một bức tranh xã hội lung linh và huyền ảo, là những khúc xạ văn
hoá qua diễn trình lịch sử cho đến tận thời đại ngày nay. Trên phương diện
nghiên cứu, những tình tiết biểu hiện trong các nghi lễ đã giúp cho các nhà
nghiên cứu nhận diện được một cách rõ nét diện mạo về buổi sơ khai của người
Gia-rai. Mặt khác, trên cơ sở đó, người nghiên cứu có thể tìm hiểu về quan hệ sản
xuất, lực lượng sản xuất và hình thái kinh tế qua các giai đoạn của tộc người.
Chẳng hạn, trong các nghi lễ, bài cúng đã cho thấy khả năng thuần trâu rừng,
chăn nuôi gà, kỹ thuật sản xuất… hay kỹ thuật đan lát, dựng nhà, điêu khắc tượng
mồ, văn hoá ẩm thực, các loại nhạc khí… đều được thể hiện đậm nét.
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét