Tết Trung
Thu theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn
được gọi là “Tết trông Trăng”. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường
được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng
phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo.
Vào ngày tết
này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa
múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa
sư tử để các em vui chơi thoả thích.
Ở Việt Nam,
ngày tết Trung Thu được diễn tả trong tục: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối
đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái
hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi
nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con
cá coi cũng đẹp”.
Múa lân
Theo các nhà
khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt
trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết
Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua
thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung Thu đã được
tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu,
theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á
Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ
quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần
trăng).
Sau đó, từ
ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương
quang – trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do
vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám,
nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng
trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu
tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy,
mùa Thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là
một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu
đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết
Trung Thu.
Ý nghĩa tết
Trung Thu
Theo phong tục
người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu,
mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước
đèn. Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả
khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình
thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng
khít thêm.
Cũng trong dịp
này người ta mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ,
thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Người Trung
Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa
lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi
nhà… Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu.
Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.
Ngoài ý
nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm
trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm
đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên
tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Ngắm trăng
(Thưởng nguyệt)
Tết Trung
Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn
muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là
bánh Trung Thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó
đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.
Trẻ em đón tết
có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống… sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi
từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ.
Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo
nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người
lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.
Bày cỗ
Mâm cỗ Trung
Thu thông thường hình con chó được làm bằng tép bưởi,gắn 2 hạt đậu đen làm mắt.
Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc
là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép
là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây
thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi
dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng.
Những loại
quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng
ngâm màu xanh, vài quả na dai…và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi
trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức
hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích
Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay
lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay
lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen
rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình
chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Hát trống
quân
Tết Trung
Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với
nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng
rỗng, bật ra những tiếng “thình thùng thình” làm nhịp cho câu hát. Những câu
hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng
khẩu đặt ra.
Cuộc đối đáp
trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm
hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất
là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén
chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục
bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc
Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.
Múa sư tử
(múa lân)
Vào dịp Tết
Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân
trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân
trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người ta thường múa
Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân
bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một
đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài
ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu
lân… Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này,
tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo
lên lấy.
Trẻ em thì
thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không
có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người
ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng
thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có
thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Tổng hợp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét