Giúp dân chống bão về, nhìn ngôi nhà đổ nát chỉ còn bức tường chỏng chơ, ông tôi nhặt hòn than lên, vẽ 3 chữ thật to “Nghèo là khổ”. 3 chữ viết bằng than củi, rõ mồn một như lời nhắc nhở các con phải cố gắng thoát nghèo
.
Hơn 80 tuổi ông tôi vẫn nằng nặc đòi các con ra đồng bởi
"ở nhà buồn tay, buồn chân lắm".
Ông tôi là con vợ lẽ. Cụ tôi năm 70 tuổi đã phải lần lượt tiễn
hai đứa con trai vì bệnh cảm hàn và bị chó dại cắn. Sợ nhà chồng tuyệt tự, bà cả
kiếm vợ lẽ cho cụ. Mẹ của ông tôi là người đàn bà hành khất, chỉ biết bà quê ở
Nghi Lộc, đói quá, tay bị tay gậy đi ăn xin. Khi ông tôi lên 10 thì bà cũng mất
nên ông cũng chẳng biết quê quán, gốc gác mẹ mình ở đâu để tìm về.
Mấy người chị cùng cha khác mẹ do chiến tranh, loạn lạc cũng
thất lạc tin tức. Ông tôi ở với gia đình một người chị gái kế mình. Năm 20 tuổi
ông tôi lấy vợ. Bà tôi xinh đẹp nhưng hay ốm yếu, lại phải bà chị chồng quá quắt
nên hai bên thường nảy sinh mâu thuẫn. Một mình ông tôi đi làm nhưng thóc lúa
hay nắm tôm, nắm tép cũng bị bà chị bắt chia ba, một phần của bà, một phần của
con trai bà, phần còn lại mới là của ông bà tôi.
Bà tôi thì không chịu, thế là cãi nhau to. Ông tôi cầm cả rổ
tép đổ ra ngoài ao rồi dắt bà tôi ra quê mới lập nghiệp. Ông tôi người thấp, đậm
và khá đẹp trai. (Chỉ tiếc là đám con cháu chúng tôi chẳng ai được thừa hưởng
những nét đẹp của ông bà). Cũng bởi thấp bé quá mà ông tôi 2 lần đăng kí đi bộ
đội đều không đạt. Mấy lần đi thanh niên xung phong xây dựng công trình nông
nghiệp, ông về làm cán bộ HTX. Bà tôi thì vẫn thường xuyên ốm yếu như vậy, nhất
là sau khi sinh lần lượt 6 đứa con trong thiếu thốn đủ bề.
Mẹ tôi kể, trận bão lịch sử năm 1982, là cán bộ HTX, ông tất
tả đi “lo chuyện cho bà con” sau khi dặn vợ và các con chằng chống nhà cửa.
Nhưng cơn bão lớn đã cuốn phăng tất cả mọi thứ, cha tôi cõng cô út, mẹ tôi mang
bụng chửa vượt mặt chỉ nhặt được một ít quần áo vượt gió đến nhà khác trú nhờ.
Bão tan, ông trở về. Nhìn đống đổ nát rồi khóc. Ông nhặt lấy
viên than, viết trên bức tường duy nhất không bị bão xô đổ 3 chữ thật to “Nghèo
là khổ”. 3 chữ viết bằng than củi, rõ mồn một như lời nhắc nhở các con phải cố
gắng thoát nghèo.
Cái sự vất vả hằn lên cả dáng đi của ông. Bước chân ngắn,
thoăn thoắt tựa hồ không chạm đất. Hai bắp vế to, đen đúa. Ông tôi mặc quần dài
nhưng đoạn từ đầu gối trở xuống luôn mới nguyên bởi chỉ trừ đi ăn giỗ, còn lại
bao giờ quần ông cũng xắn đến đầu gối. Hai đoạn ống quần mới nguyên đó hay được
bố tôi và các cô tận dụng may cặp sách mỗi khi vào đầu năm học mới.
Ông nghèo nhưng luôn lấy sự học làm đầu. Cơm không bao giờ đủ
ăn nhưng ông chưa bao giờ bắt các con phải nghỉ học. Nhưng rồi gánh nặng gia
đình, cha tôi và người cô kế cha chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ. Khát vọng học hành
của ông chẳng đứa con nào hoàn thành được vì cố lắm cũng chỉ học hết cấp 3 vì
nhà không có tiền. Cô út tôi sau này xin vào dạy ở trường mầm non của xã rồi đi
học thêm. Ngày cô quyết định xin nghỉ dạy để đi xuất khẩu lao động, ông buồn, bữa
cơm chỉ chống đũa rồi uống ực hết li rượu. Ông buồn nhưng không cản bởi ngày
đó, lương giáo viên mầm non xã không đủ để lo cho 2 đứa con ăn học, nói gì đến
việc mong khá giả.
Rồi lần lượt 5 người con dâu, con gái của ông đều phải tìm
đường đi xuất khẩu lao động để mong thoát nghèo, mới đủ tiền để cho các con ăn
học thực hiện ước mơ của ông tôi. Ông buồn nhiều lắm, buồn vì không thể giúp được
gì cho các con, các cháu của mình. Hết mẹ tôi, 2 người mợ, cô thứ 3 rồi cô út
đi xuất khẩu lao động. Gần 7 năm sau, mọi người lần lượt trở về. Ông vui lắm bởi
đứa nào cũng làm được nhà cao cửa rộng, có người còn xây được cả nhà mấy gác.
Càng phấn khởi hơn khi các cháu của ông lần lượt theo nhau vào đại học. Giấc mơ
của ông đã được các cháu thực hiện được một phần.
85 tuổi ông có thể cười mãn nguyện bởi các con đã có cuộc sống
đỡ vất vả hơn, các cháu lần lượt theo nhau vào đại học để thực hiện giấc mơ của
ông.
Ông già rồi nhưng không chịu nhờ cậy con cháu. Gần 80 tuổi
ông tôi vẫn nằng nặc đòi ra đồng gặt lúa với các con. Giọt mồ hơi đẫm áo, đẫm cả
đôi lông mày đã bạc trắng. Đôi tay đã không còn sức siết chặt bó lúa nhưng nhất
định ông không chịu ở nhà dù cha mẹ và các cô chú tôi năn nỉ lẫn “dọa dẫm”.
Cha nói ông bán bò, ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe nhưng ông nhất
quyết không chịu. Ông bảo già rồi, không có việc gì làm cũng buồn tay, buồn
chân. Ông đi chăn bò (thực chất là 2 con bò cứ kéo ông đi tuồn tuột từ đồng này
sang đồng khác) trưa thật trưa, tối thật tối mới thấy về, 2 con bò đi trước,
ông chân thấp chân cao bước theo sau, về đến nhà ngồi phịch xuống bậu thềm thở
dốc. Rồi cha họp gia đình, ra “tuyên bố” bán 2 con bò, gửi tiền tiết kiệm cho
ông. Mãi ông cũng phải chịu.
Ông tôi già nhưng ít ốm đau. Bỗng một dạo cứ quên quên nhớ
nhớ. Rồi ông đi lạc, cả nhà bổ đi tìm. Dượng tôi đi công chuyện, gặp ông giữa
đường cách nhà đến hơn chục cây số, năn nỉ ông lên xe để chở về. Ngồi sau lưng
con rể, nghe dượng tôi hỏi “ông có biết ai không”, ông bảo “thấy quen quen”.
Ông già rồi lại hóa như con nít. Ngày trước bà nấu gì ông
cũng ăn, chẳng chê bai gì nhưng thì mắc bệnh đãng trí ông tôi “khảnh” ăn lắm,
không ngon nhất quyết không động đũa. Bà cũng vất vả khi phải canh ông bởi lơ
là một chút ông xô cửa đi rồi lạc không biết đường về.
Thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi bế con về chơi với cụ. Ông cứ sán
lại đòi bế bằng được thằng bé dù đôi tay run run ôm chắt không được chặt khiến
nó cứ truội người xuống. Hỏi, ông có biết ai đây không? Ông cười “thằng cu
Hòa”, tôi cũng cười mà nước mắt vòng quanh. Hòa là tên chồng tôi!
Thi thoảng ông lại mò mẫm lau dọn bàn thờ rồi lẩm bẩm nói
chuyện với “ai đó” rất lâu. 85 tuổi ông tôi vẫn không biết quê mẹ ở đâu mà
tìm... Dù ông nhớ hay quên, chỉ mong một điều duy nhất là ông luôn mạnh khỏe để
làm chỗ dựa cho con cháu mỗi khi vấp váp trên đường đời ông nhé!
Theo Dantri
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét