Chọi trâu là một loại hình lễ hội được tổ chức
tại một số nơi ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là lễ hội chọi trâu Đồ
Sơn tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đây là một lễ hội truyền thống của
người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch
hàng năm.
Để chuẩn bị cho lễ hội này, người nuôi trâu
phải lựa chọn rất công phu trong việc tìm và nuôi dưỡng trâu, chăm sóc kỹ lưỡng
trong khoảng một năm.
Trường đấu của lễ hội là một bãi đất rộng,
ngày nay thường là sân vận động, nơi có thể chứa hàng nghìn người đến cổ vũ.
Trước giờ khai cuộc, người huấn luyện sẽ dẫn trâu ra sới cho quen dần với không
khí.
Khi cuộc đấu bắt đầu, từ hai phía của sới
chọi, hai "ông trâu" được dẫn ra với người che lọng và múa cờ hai
bên. Khi cặp trâu cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho
trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài. Hai đấu sĩ trâu lao vào nhau với tốc độ khủng
khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, hai trâu chọi nhau
quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của khán giả.
Các ông trâu sẽ sử dụng nhiều miếng “võ” hiểm
đã được luyện thuần thục để tấn công đối phương như hổ lao, ghì ngà, móc mắt,
cáng hầu, móc chân… Có những trận kết thúc chóng vánh, nhưng cũng có trận kéo
dài hàng chục phút bất phân thắng bại, cả hai chú trâu đều đẫm máu vì những
vết thương cơ thể. Không ít cuộc đấu kết thúc với cái chết của một trong hai
đấu sĩ.
Kết thúc lễ hội, con trâu vô địch sẽ làm một
cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Theo tập tục của địa phương, tất cả các
“ông trâu” tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt. Sau khi giết
trâu, người làng sẽ lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để
cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. Mọi người cùng ăn chúc phúc.
Theo quan niệm của người dân, sau khi ăn thịt
con trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp được may mắn, đặc biệt là những người dân
đi biển.
Tổng hợp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét