Tuổi
thơ tôi là những con chữ ê a khi đến trường, là những bức tranh vẽ làng quê,
con gà, con trâu, là những bài thể dục buổi sáng mà cô giáo dạy... Tuổi thơ của
tôi là một cánh đồng bát ngát hoa, là những cánh diều dập dìu cùng mây và gió.
Có
thể mỗi chúng ta, ở những khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó trong quỹ thời gian
không vô hạn của cuộc đời, cũng từng cảm thấy mệt mỏi và chán nản với cuộc sống
hiện tại. Những lần thất bại, không thực hiện được điều mình mong muốn ít nhiều
sẽ lấy dần đi niềm tin của chúng ta. Lúc ấy, sự căng thẳng sẽ khiến ta chơi vơi
và hụt hẫng, khiến ta chỉ muốn thời gian quay ngược trở lại thời điểm ban đầu,
để ta không còn lo âu với sự bon chen, xô bồ của cuộc sống.
Tuổi
thơ của tôi là như thế, không lo nghĩ, cũng như chẳng để tâm gì nhiều đến những
biến cố của cuộc sống. Tôi đã từng sống vô tư trong sự bảo bọc của gia đình, sự
quan tâm của bạn bè và chưa bao giờ phải tự mình gánh vác những công việc nặng
nề. Mỗi khi mệt mỏi, tôi thường vu vơ nhớ lại ngày tháng trước đây để tâm hồn
mình thanh thản và cũng như để mình tỉnh táo hơn. Sự bon chen của cuộc sống nhấn
chìm tôi trong nỗi cô đơn hoang hoải. Và điều mà tôi muốn, ngay bây giờ, là được
trở về với tuổi thơ, dù chỉ một lần.
Tuổi
thơ của tôi là một cánh đồng bát ngát hoa, là những cánh diều dập dìu cùng mây
và gió. Chợt nhớ lại mỗi buổi chiều mùa hè, lũ trẻ trong xóm tôi đều tự tay làm
nên những cánh diều đầy màu sắc, cùng nhau thả nó lên bầu trời xanh ngát. Chúng
được ví như cánh chim tự do bay tít lên bầu trời cao, thả những ước mơ của
chúng tôi vào các đám mây bồng bềnh theo gió. Rồi đám mây sẽ đưa ước mơ của
chúng tôi đi xa, xa mãi, đến một ngày nào đó, những ước mơ từ nhỏ nhoi đến lớn
lao đều sẽ thực hiện được. Ngày ấy, ước mơ duy nhất của tôi là mãi mãi được sống
với những tháng ngày vô tư lự như thế.
Tuổi
thơ của tôi gắn liền với những câu chuyện cổ tích, gắn liền với ông già Noel và
với những phép màu kì diệu của cuộc sống. Ngày bé tôi vẫn thường tin răm rắp
vào ông Bụt như trong câu chuyện Tấm Cám, tin ông già Noel sẽ đến tặng quà cho
tôi mỗi mùa Noel khi tôi đang ngủ, tin tưởng vào phép màu, người tốt sẽ gặp
lành còn người ác sẽ bị quả báo.
Tuổi
thơ tôi gắn liền với những lần ở truồng tắm mưa, chẳng lo người ta sẽ nghĩ gì về
mình, cũng như chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như khi lớn lên. Tôi cùng lũ trẻ
trong xóm vô âu vô lo bay nhảy trong màn mưa, lạnh cơ thể nhưng rất ấm lòng.
Tuổi
thơ tôi là những con chữ ê a khi đến trường, là những bức tranh vẽ làng quê,
con gà, con trâu, là những bài thể dục buổi sáng mà cô giáo dạy... Lũ học sinh
mang trên mình niềm hi vọng và sự tin tưởng của gia đình về một tương lai tươi
sáng hơn, một tương lai không còn “khát” chữ như ông bà của chúng.
Tuổi
thơ của tôi còn là những buổi trưa trốn đi chơi, giấu cha mẹ đào trộm khoai
lang nhà hàng xóm, cùng nhau chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, trò kéo co... Có khi bị
người ta phát hiện được, rồi bị đánh, bị mắng, rồi đổ lỗi cho những đứa khác,
nhưng chúng tôi vẫn thấy vui và hạnh phúc lắm. Bây giờ, điều mà tôi muốn chỉ là
được cùng tụi trong xóm quây quần chơi ô ăn quan như trước kia thôi, nhưng sao
khó quá!
Tuổi
thơ của tôi đắm mình trong những tiếng rao. “Ai bánh giò không?”, “Kẹo kéo
đây!”, “Cà rem nào?” là những tiếng rao thân thương thay cho các hàng quán với
những món ăn đắt tiền như bây giờ. Chợt nhớ, chỉ cần 500 đồng thôi cũng đủ để
tôi mua được hai que kem, một cho tôi và một cho em gái. Nhưng bây giờ, 500 đồng
còn không đủ giá trị để mua được tuổi thơ nữa.
Tuổi
thơ tôi đi cùng với sự ghen tị và tự ái. Ghen tị khi nhìn thấy những đứa khác
xúng xính với quần áo, cặp tóc mới đầu năm học. Tự ái khi chúng đều có cặp
sách, tập vở đẹp còn mình thì không. Bây giờ nghĩ lại, tôi thèm lắm cái cảm
giác được ghen tị đó, tự ái nhưng chỉ là giấu trong lòng. Chứ không như sự ghen
tị của cuộc sống hiện tại, nó khiến cho tâm hồn chúng ta mục ruỗng và cằn cỗi
khi suốt ngày chỉ nghĩ mọi cách, mọi thủ đoạn để hơn người khác.
Tuổi
thơ tôi là những lần bị mẹ đánh khi điểm kém, là những lần bố mắng khi lười
không chịu chăm em, không lo dọn dẹp nhà cửa. Còn nhớ, có một lần bà nhờ tôi nhổ
tóc bạc cho bà, tôi lười nhác đến nỗi nằm ì một chỗ, đợi đến khi bố vụt roi vào
mông mới lồm cồm bò dậy giúp bà. Giờ đây, điều mà tôi muốn chỉ là được nhổ tóc
bạc cho bà, nhưng bà đã đi rồi.
Tuổi
thơ tôi là những lần đánh nhau với lũ bạn trong lớp, là những lần cãi nhau
tranh giành “lãnh địa”, tranh giành những gói bánh, gói kẹo. Là con gái, nhưng
dường như tôi toàn chơi với lũ con trai, thế nên đã bị lây nhiễm cái tính nóng
nảy và cộc cằn của chúng. Những lần đánh nhau với đứa con gái khác, tôi đều
thua chúng vì vốn dĩ thân hình mình nhỏ con, không đánh lại nổi. Khi ấy, tôi bị
bố mẹ dần cho một trận nên thân vì “con gái mà lì như trâu”.
Tuổi
thơ tôi còn là những lần vác cần đi câu cá. Câu không được con nào, thế là cả
lũ ùa nhau nhảy “ùm” xuống sông để tắm. Kết quả khi về vẫn là bị bố quật thêm một
trận vì cả người đầy đỉa. Nghĩ lại thấy xót xa nhưng cũng nuối tiếc lắm.
Ngày
xưa khi còn bé, tôi cứ mong mình lớn thật nhanh. Vì tôi hâm mộ người lớn, cảm
thấy họ rất oai và có thể sai bảo con nít, bất kể việc gì. Nhưng cho đến khi thời
gian cứ trôi mãi, trôi nhanh như guồng quay bị đứt phanh thì tôi mới nuối tiếc.
Cuộc sống cũng giống như chuyến tàu một chiều, đi là đi mãi, không bao giờ trở
lại. Ta cứ mãi nhìn về phía sau, ngoái đầu về tuổi thơ, nhưng lưng thì vẫn phải
thẳng và mãi không đổi hướng.
Tuổi
thơ của tôi là những khoảnh khắc như thế, dường như chẳng chút suy tư và bận
tâm vào những muộn phiền quá to tát. Khi lớn lên, vòng quay cuộc sống chạy hối
hả và gấp gáp, con người mải miết chạy theo vật chất và danh vọng, những tính
toán, mọi thủ đoạn sẽ khiến ta mệt mỏi. Và rồi lại thèm được ở truồng tắm mưa,
được đi đào trộm khoai, được thả diều như hồi còn bé. Và trên hành trang đến
tương lai, tuổi thơ sẽ là thứ luôn được mang theo, xếp gọn gàng trong ngăn kéo
gọi là “Kỉ niệm”. Để mỗi khi mệt mỏi, chán chường hay tuyệt vọng, ta sẽ có thứ
để ngắm, để nghiệm và để nhớ. Mảnh kí ức về tuổi thơ.
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét