Nhân dân Việt
Nam từ bao đời nay vẫn có phong tục rất đáng trân trọng là Thờ phụng Tổ tiên, tổ
chức cúng giỗ ngày mất của những người thân trong gia đình.
I. Phong tục
Thờ phụng Tổ tiên của các gia đình Việt Nam.
1/ Các gia
đình Việt Nam thường có bàn thờ tổ tiên, to hay nhỏ tùy hoàn cảnh từng nhà
nhưng cần đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ, có bày bát hương, lọ hoa để cúng bái những
ngày giỗ Tết. Những nhà có điều kiện rộng rãi thì thường bố trí bàn thờ tổ tiên
ở nơi đẹp đẽ nhất. Trên bàn thờ đặt ba bát hương, hai lọ hoa, những tấm ảnh của
những người thân đã mất, hai cái đĩa đẹp để bày đồ cúng, một chai rượu, bộ ấm
chén v..v.. bàn thờ luôn được giữ gìn sạch sẽ. Có gia đình lúc nào trên bàn thờ
cũng nghi ngút vài nén hương, không để nguội lạnh, vì họ cho rằng điều đó sẽ
đem lại sự yên lành cho con cháu.
Hàng tháng cứ
ngày mồng 1, ngày rằm âm lịch, con cháu thắp hương cúng tổ tiên, ông bà đã khuất,
dù chỉ vài bông hoa tươi, bát nước, nải chuối v..v…
Trong năm lại
có nhiều ngày lễ lớn như: Tiết Thanh Minh tảo mộ tháng 3 âm lịch, Tết Đoan Ngọ
tháng 5, Rằm tháng 7 xá tội vong nhân, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán v..v... Đó
là những dịp để các gia đình tổ chức cỗ bàn, bánh trái, mời bà con họ hàng,
thân thích đến cúng bái tổ tiên, gặp gỡ nhau, thăm hỏi, chia sẻ mừng vui, hoạn
nạn.
2/ Như vậy,
đối với nhiều người Việt Nam, việc kỷ niệm ngày sinh nhật không quan trọng (tuy
rằng một số thanh niên trẻ hiện nay theo phong tục phương Tây lại coi trọng ngày
sinh nhật), mà họ coi ngày giỗ người thân qua đời là hết sức có ý nghĩa.
Thông thường
sau đám tang lễ người thân đã mất, gia đình làm lễ cúng 3 ngày, rồi 49 ngày, đến
giỗ đầu 1 năm thì làm rất trang trọng. Sau đó, hàng năm cứ đúng ngày người thân
đã mất thì gia đình đứng ra tổ chức ngày giỗ, mời bà con họ hàng đến cúng bái
và ăn giỗ.
Dù gia đình
nghèo cũng có mâm cơm, thắp hương cúng bái, mời vài người thân đến tham dự. Sự
vắng mặt của họ hàng trong những ngày giỗ là nỗi khổ tâm của gia chủ và cũng là
sự ân hận của những người được mời mà không đến dự được (vì họ cũng coi đây là
trách nhiệm cần có mặt trong những ngày trọng đại).
Nguyên nhân
sâu xa của việc Thờ phụng Tổ tiên, cúng giỗ người thân đã mất chính vì lý do
sau đây: đối với nhiều người Việt Nam, chết chưa phải là hết, thể xác tiêu tan
nhưng linh hồn là bất tử, âm dương hòa hợp. Vì vậy, tâm lý của nhiều người Việt
Nam vẫn cho rằng có sự hiện diện của tổ tiên trong cuộc sống thường ngày của
gia đình. Họ tin tưởng vào sự phù hộ của tổ tiên đối với họ. Đối với những việc
trọng đại xảy ra trong gia đình, gia chủ cúi đầu khấn vái tổ tiên, trước là để
trình bày sự kiện, sau là xin tổ tiên phù hộ.
II. Vậy ý
nghĩa của việc Thờ phụng Tổ tiên là như thế nào?
1/ Trước
tiên, việc Thờ phụng Tổ tiên là để thể hiện lòng tri ân đối với công ơn của tổ
tiên, ông bà cha mẹ đã khuất. Con cháu bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với
các thế hệ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con cháu nên người như ngày nay.
Người con hiếu
thảo phải biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Để tỏ lòng hiếu lễ với
cha mẹ thì phải biết ơn Tổ tiên, ông bà đã khuất. Đó là nguồn gốc đã sinh ra thế
hệ con cháu ngày nay.
Ca dao Việt
Nam đã ví rằng:
Cây có gốc mới
nở cành sanh ngọn
Nước có nguồn
mới bể rộng, sông sâu.
Các cụ xưa
thường dạy: con người ta phải có tổ tiên mới có các thế hệ hiện nay. Con cháu
không nhớ đến công ơn tổ tiên, chính là quên mất nguồn gốc bao đời của mình.
2/ Thứ hai,
việc Thờ phụng Tổ tiên lại có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc, giúp cha mẹ giáo dục
con cháu lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ của mình: Học tập tấm gương, đạo đức,
nhân cách trong sáng của họ, tinh thần lao động cần cù, họ đã vượt qua bao khó
khăn, gian khổ, mới nuôi dưỡng được các thế hệ con cháu cho đến ngày nay. Đồng
thời, con cháu cần cố gắng khắc phục những thiếu sót của các thế hệ trước vì họ
đã không có những điều kiện học hành đầy đủ và tiếp xúc với các thông tin khoa
học hiện đại của thế kỉ 21 này.
3/ Phong tục
Thờ phụng Tổ tiên tạo nên cơ hội tốt nhất, đồng thời lại là mục tiêu để phát
triển mối quan hệ anh em, họ hàng cùng dòng họ, cùng nguồn gốc máu mủ chung.
Chính việc
thờ cúng Tổ tiên đã gắn bó không chỉ các thành viên của gia đình nhỏ (cha mẹ,
con cái) mà còn củng cố mối quan hệ họ hàng, dòng họ, cùng chung một ông Tổ. Từ
đó đã gắn bó thêm các mối quan hệ chú bác, cô dì, con cháu bên nội, bên ngoại
v..v… Những ngày giỗ, ngày tết là những dịp để tập hợp đầy đủ họ hàng, thân
thích gần xa. Họ gặp mặt nhau, trước là để cúng bái tổ tiên, sau là để chuyện
trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, khó khăn, tìm cách giúp đỡ nhau.
Bởi vì: “Máu
chảy ruột mềm”
“Một con ngựa
đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Có nhiều
dòng họ, những ngày giỗ được tổ chức long trọng. Ông tộc trưởng chủ trì, với đầy
đủ đại diện các chi họ đến cúng bái tổ tiên. Sau đó, mọi người cùng bàn bạc những
việc cần làm để thể hiện lòng thành kính và biết ơn ông Tổ chung nhiều đời của
dòng họ.
Mối quan hệ
họ hàng, dòng họ đến nay được duy trì, củng cố chính từ phong tục thờ cúng Tổ
tiên vẫn đang được thực hiện ở nhiều gia đình Việt Nam và được tổ chức ngày càng
nề nếp hơn.
Tháng 3 Tảo
mộ, họ hàng chú, bác, cô, dì cùng nhau đi thắp hương, sửa sang mồ mả người thân
đã khuất ở nghĩa địa làng hay nghĩa trang dòng họ, nghĩa trang thành phố
v..v...
Hiện nay, vẫn
có phong tục hàng năm cứ ngày Tết Nguyên Đán, anh em cùng dòng họ ở thành phố,
đô thị lại tập hợp nhau về quê hương, thắp hương ở nhà thờ Tổ và đi tảo mộ
v..v… Con cháu họp nhau nhắc đến công ơn tổ tiên và từ đó đã nảy sinh nhu cầu
tìm hiểu về dòng dõi nhiều đời đã qua để biên soạn thành gia phả dòng họ.
4/ Thờ cúng
Tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, con cháu không chỉ cảm phục công lao sinh
thành, dưỡng dục của họ và lo báo hiếu. Điều quan trọng là cần làm rạng danh họ
hơn nữa trong thời đại ngày nay. Chúng ta từ những việc làm hữu ích cho xã hội,
cách ăn ở có nghĩa, có tình với mọi người, làm tốt công việc chuyên môn hàng
ngày, đóng góp cho sự phát triển và củng cố nền độc lập, tự do, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ thêm dòng họ ông
cha ta.
Như vậy,
phong tục Thờ cúng Tổ tiên là dịp để nhắc nhở con cháu noi gương những thế hệ
đã khuất và làm tốt hơn nữa công việc họ đã làm, như câu ca dao đã ví rằng:
“Con hơn cha
là nhà có phúc”
Con hơn cha
không phải là có tài sản, tiền bạc giàu có hơn mà ở đạo đức, nhân cách con người,
cư xử nhân nghĩa, làm ăn chính đáng, quan tâm giúp đỡ anh em họ hàng, người
nghèo trong xã hội v..v…
5/ Những
ngày giỗ tết của gia đình đâu có phải chỉ cần tổ chức mâm cao, cỗ đầy, đó chỉ
là hình thức bề ngoài. Điều quan trọng là cái tâm, là việc làm chính đáng hàng
ngày của con cháu các thế hệ hiện nay.
Khi chúng ta
cúng bái tổ tiên thì phải tự hứa không làm ô danh họ, cái chính của việc báo hiếu
ông bà cha mẹ đã khuất, chính là phải biết nối tiếp truyền thống sống đứng đắn
của họ: ứng xử theo đạo lý làm người, hoàn thành trách nhiệm được giao phó, làm
tốt nghĩa vụ người con trong gia đình, người công dân của đất nước Việt Nam.
6/ Ý nghĩa
tích cực, lâu dài của phong tục thờ cúng Tổ tiên chính là chúng ta cần hướng về
tương lai, mà không phải chỉ là quay về quá khứ để luyến tiếc, ca ngợi công lao
ông bà, cha mẹ đã khuất. Điều quan trọng của việc cúng bái tổ tiên là chúng ta
cần suy nghĩ về cuộc sống của bản thân: có tư cách đạo đức tốt hơn, cố gắng làm
tròn trách nhiệm được giao phó.
Đây cũng là
một địp để giáo dục con cái biết phát huy và làm rạng rỡ thêm công đức, việc
làm tốt đẹp của tổ tiên, ông cha các thế hệ đã qua. Đó chính là ý nghĩa tốt đẹp,
tích cực, lâu dài của phong tục Thờ cúng Tổ tiên, một nét đẹp của văn hóa Việt
Nam mà chúng ta cần giữ gìn phát huy.
III. Cần chống
lại việc lợi dụng phong tục Thờ cúng Tổ tiên để phát triển nạn bói toán, mê tín
dị đoan.
Chúng ta cần
chống lại nạn mê tín dị đoan. Có những kẻ đã lợi dụng phong tục thờ cúng Tổ
tiên, giỗ tết những người đã khuất để phát triển việc bói toán, lên đồng, giải
hạn v..v…
Có những gia
đình lại hay đi xem bói để hỏi các ông thầy cúng những điều gì họ cần làm để tổ
tiên phù hộ cho họ v..v… Các thầy cúng phán các gia chủ phải cúng giỗ linh
đình, kiêng kị đủ thứ để giải hạn. Từ đó, các gia đình đã tốn tiền, tốn của vô
ích, lại làm phát triển nạn mê tín dị đoan, có hại cho xã hội.
Chúng ta
cũng không ủng hộ những gia đình giàu có, có chức, có quyền (nhiều khi do mưu
mô xảo quyệt, thất đức mà đạt được) nhân dịp giỗ tết của gia đình đã tổ chức
linh đình, làm cỗ sang trọng, mời nhiều khách đến dự, đặc biệt là cấp trên có
quyền lực. Họ muốn thông qua việc tổ chức những ngày giỗ tết, ăn uống để làm ăn
dễ dàng hơn sau này, mà không phải lòng thành tâm đối với công lao Tổ tiên, ông
bà cha mẹ đã khuất. Đó chỉ là lợi dụng phong tục thờ cúng tổ tiên để mưu lợi
ích cho cá nhân và gia đình mình. Vì vậy chính họ đã vi phạm đạo đức, tư cách
người con thật sự có lòng hiếu đễ, nhớ ơn tổ tiên, ông bà đã khuất. Chắc chắn rằng,
tổ tiên họ không thể phù hộ cho những việc làm với ý định xấu xa ấy. Chính những
gia đình và cá nhân đó cũng chẳng tin vào sự phù hộ của tổ tiên, mà chỉ lợi dụng
những ngày giỗ tết để tổ chức cỗ bàn linh đình, mưu lợi ích riêng cho họ.
Tóm lại,
chúng ta cần phát huy ý nghĩa tích cực của việc thờ cúng Tổ tiên, tổ chức cúng
giỗ ngày mất của những người thân trong gia đình, với lời hứa hẹn cố gắng làm
theo việc làm, tấm gương sáng của họ. Đây cũng là những dịp để giáo dục cho con
cái, cố gắng học tập giỏi, biết ứng xử có phép tắc, kính trọng bà con họ hàng,
không phân biệt giàu nghèo, biết giữ gìn uy tín của dòng họ và cố gắng làm rạng
rỡ thêm Tổ tiên của mình.
Chúng ta
không ủng hộ hiện tượng gia đình chủ nghĩa, dòng họ chủ nghĩa, cậy uy thế dòng
họ để bắt nạt người khác, lợi dụng để tìm kiếm thêm chức tước, danh vị, đặc quyền
cho người thân v..v… Nhưng chúng ta lại trân trọng giữ gìn, vun đắp cho tình
nghĩa họ hàng, vừa là tình cảm tự nhiên, vừa là nghĩa vụ của mỗi người. Nó gắn
bó với phong tục Thờ phụng Tổ tiên có tính truyền thống, được duy trì bền vững ở
các gia đình Việt Nam hiện nay.
Thờ phụng Tổ
tiên là nhớ đến công đức của ông cha ta nhiều đời. Từ đó, ngày nay anh em máu mủ
ruột thịt lại cùng nhau đoàn kết, giúp nhau làm điều thiện, tránh điều ác. Ý
nghĩa tinh thần của tình cảm ấy sẽ trở thành sức mạnh vật chất, giúp cá nhân và
các thành viên vượt lên mọi khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng chung
sức kiến thiết đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh.
Gs. Lê Thi
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét