Tuy chịu ảnh
hưởng của tôn giáo Bàlamôn, nhưng nghi lễ cưới xin của người Chăm Bàlamôn ở
Ninh Thuận lại mang nhiều nét văn hoá truyền thống hơn là văn hoá tôn giáo. Bởi
trước khi tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, người Chăm cũng như các cư dân
Đông Nam Á đã mang trong mình nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đã có nhiều
công trình nghiên cứu về nghi lễ cưới xin người Chăm Bàlamôn, nhưng chưa có
công trình nào bóc tách các lớp văn hoá và đi tìm những phong tục tập quán tốt
đẹp trong của người Chăm trong đám cưới truyền thống ấy. Qua một công trình
khoa học gần đây nghiên cứu về nghi lễ cưới xin của người Chăm Bàlamôn, chúng
tôi xin ghi lại những phong tục lạ và đẹp của một đám cưới truyền thống người
Chăm Bàlamôn Ninh Thuận.
Cũng như các
dân tộc khác ở Việt Nam và ở Đông Nam Á, cưới xin là một trong những nghi lễ
quan trọng trong các nghi lễ đời người, đánh dấu mốc kỷ niệm và bước ngoặt, nhiều
khi còn là số phận của cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, các bước của nghi lễ cưới
xin phải qua đầy đủ trình tự thủ tục chặt chẽ, khá tương đồng giữa các dân tộc
từ nghi thức mai mối, lễ hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt v.v... Tuy nhiên, do sự chồng
xếp nhiều lớp văn hoá, lễ cưới người Chăm Bàlamôn mang nhiều nét đặc thù mà ít
có ở các dân tộc khác ở Việt Nam.
Người Chăm vẫn
duy trì chế độ mẫu hệ nên quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái. Khi
con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ đã phải lo nhắm trước những chàng trai trong
vùng để “lựa rể” cho con mình, và vì là nhà gái, nên cha mẹ bao giờ cũng phải
giữ “tiếng” cho con gái mình, mọi nghi thức mai mối dạm hỏi thường được diễn ra
“bí mật” tuyệt đối, vì lỡ sự dạm hỏi không thành, ảnh hưởng tới “tiếng” của cô
gái và vì vậy lần dạm hỏi sau sẽ khó hơn. Cũng vì lý do này mà nhà gái phải mời
ông mai bà mối là những người khéo ăn nói, khi đi dạm hỏi phải biết nói xa gần,
bóng gió, ví von bằng hình ảnh đon sơ mộc mạc như con trâu, cái cày, chiếc xe
trâu, ví dụ như những câu: “Ruộng nhà tôi đang vào mùa vụ, nhà tôi muốn tậu con
trâu nhà chị về nuôi…”. Đồng thời thăm dò bằng được ý tứ của đằng nhà trai.
Ngoài ra,
ông mai bà mối phải là người đàng hoàng, “một kèo một cột” (một vợ một chồng)
gia đình hoà thuận, con cái đông đúc, có uy tín trong làng và đã nhiều lần mai
mối thành công. Nếu nhà trai đồng ý, ông mai bà mối đi lại bàn bạc với nhà trai
nhiều lần để bàn những bước tiếp theo.
Lễ vật trong
lễ hỏi của người Chăm thường rất đơn giản, chỉ có trầu cau, rượu, bánh pay nung
(một loại bánh dân tộc giống như bánh tét), một vài loại trái cây. Đồ ăn thức uống
trong đám cưới là những món ăn cổ truyền Chăm làm từ các loại nông sản và vật
nuôi như thịt gà, thịt vịt, cá, bún, súp, các loại canh rau, đặc biệt là phải
có cá đuối vì người Chăm quan niệm cá đuối là loại cá đẻ ra con, với ý niệm là
đôi vợ chồng trẻ sẽ mau mắn có con, ngoài ra, cá đuối còn tượng trưng cho ánh
sáng. Phong tục xưa quy định, trong lễ cưới, ngày đầu tiên chỉ ăn toàn cá đuối.
Lễ hỏi diễn
ra đơn giản trên những chiếc chiếu trải trên sân nhà. Bà bóng dòng tộc sẽ làm một
lễ cúng ông bà tổ tiên rồi mọi người trò chuyện vui vẻ. Trước khi ra về, đại diện
nhà gái mời đại diện nhà trai đến “làm khách” nhà gái. Nhà gái sẽ tổ chức một bữa
tiệc mặn đón nhà trai. Buổi tiệc này, hai họ sẽ làm lễ “dứt lời” (quyết định
đám cưới). Nhìn chung, nghi thức dạm hỏi cũng như lễ hỏi cũng giống như các dân
tộc khác, chỉ khác là nhà gái đi hỏi chồng bên nhà trai và không có chuyện
thách cưới, ngoài ra có thêm lễ “dứt lời” để đi đến quyết định tổ chức đám cưới.
Cũng như các
dân tộc khác, người Chăm cũng quan niệm ngày lành tháng tốt trong một năm. Nhưng
đối với người Chăm, một dân tộc có quan niệm âm dương lưỡng hợp rất rõ nét nên
mọi quy định đểu phải phù hợp với quy luật này. Đám cưói của người Chăm, do là
chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thuộc âm. Vì vậy, lễ cưới của người Chăm phải chọn
vào đúng các tháng 3,6,10,11 lịch Chăm và phải nhằm vào những ngày hạ tuần
trăng (thuộc âm - từ đêm trăng tròn đến khi hết trăng). Ngày cưới phải thuộc
vào ngày chẵn (các số thuộc âm) :2,4,6,8,10,12,14 Chăm lịch và phải vào ba ngày
(thứ ba, thứ tư, thứ năm) trong tuần. Trong ba ngày ấy, lễ chính thức thuộc vào
thứ tư. Giờ bắt đầu lễ cưới phải bắt đầu buổi chiều (buổi chiều thuộc âm). Cách
tính ngày giờ tốt xấu của người Chăm khá phức tạp nhưng chặt chẽ, tuân thủ theo
những quy luật nhất định và phải quán xuyến thống nhất từ đầu đến cuối, lễ cưới
thuộc âm và mang tính “mẹ” rất rõ ràng. Đây là một phong tục thể hiện chế độ mẫu
hệ bao trùm suốt chiều dài lịch sử văn hoá dân tộc Chăm.
Một nét khá
độc đáo trong đám cưới người Chăm Bàlamôn là người chủ lễ. Chủ lễ cưới của người
Chăm Bàlamôn được gọi là ông bà Nưmư (cha mẹ đỡ đầu). Ông bà nưmư phải là người
có uy tín và am hiểu phong tục tập quán, thuộc các bài khấn vái trong các tiểu
lễ. Đặt trường hợp ông bà nư mư không thuộc hoặc chưa quen việc cúng kính, có
thể mời một ông thầy khác cúng thay, nhưng chủ lễ vẫn là ông bà nưmư. Ông nưmư
phải có tuổi hợp với cô dâu chú rể, có gia đình và “một cột, một kèo”, đông con
cái, có gia tài, có sự nghiệp kha khá. Ngoài ra, luật tục còn quy định, trong một
năm ông nưmư chỉ được làm chủ hôn một lần vì theo quan niệm, cha mẹ mỗi năm chỉ
đẻ được một con. Ông bà nưmư thay mặt cho cha mẹ đẻ tổ chức hôn lễ cho đôi vợ
chồng với trách nhiệm là cha mẹ đỡ đầu, ông bà nưmư có trách nhiệm giới thiệu đầy
đủ bà con họ hàng hai bên cho cô dâu chú rể, và cô dâu chú rể phải bằng mọi
cách để nhớ được các vai vế trong bà con hai họ.
Một nét văn
hoá khá độc đáo trong đám cưới người Chăm Bàlamôn là trong ngày cưới, cha mẹ đẻ
của cô dâu chú rể phải đi trốn, lánh mặt không xuất hiện trong các lễ thức đưa
đón rể và lễ nhập phòng the. Đây là một hiện tượng văn hoá hiếm thấy ở các dân
tộc khác. Khi hỏi một số người già Chăm, họ giải thích như sau: Tuy cha mẹ là
người có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu chú rể nhưng khi lớn lên là con
cháu của họ hàng. Người Chăm có câu thành ngữ:
“Toh tet nưh
a mư thong mư; tăn prong nưh kâu pa chan”
Có nghĩa là:
“Lúc còn nhỏ
là con của cha mẹ, lớn lên là con của họ hàng”.
Vì vậy, khi
cưới, cha mẹ giao hết con cái mình cho ông bà nưmư và bà con họ hàng. Khi rước
rể về, cha mẹ hai bên đi trốn, lánh mặt là để cô dâu chú rể làm quen với bà con
trong tộc họ hai bên trước. Chỉ sau lễ nhập phòng the, cha mẹ mới xuất hiện. Họ
hàng đối với người Chăm rất quan trọng. Sau khi cưới, cô dâu chú rể phải đi
thăm hết bà con họ hàng. Nếu ra đường gặp người trong họ mà không biết, không
chào hỏi đúng ngôi thứ sẽ bị chê cười. Thậm chí, lỡ có xung đột, cô dâu chú rể
cũng phải nhịn, phải chịu thua thì mới tỏ lòng tôn kính những người trong tộc họ.
Một phong tục
khá độc đáo trong lễ cưới của người Chăm Bàlamôn là nghi thức “ba đêm cấm động
phòng”. Trong ba ngày cưới, ngày đầu tiên, sau lễ đưa, đón rể là lễ nhập phòng
the. Ông nư mư nhà trai dùng tay phải (dương) cầm tay chú rể đưa cho ông nưmư
nhà gái. Ông nưmư nhà gái đón nhận tay chàng rể bằng tay trái (âm) từ tay ông
nưmư và dắt vào phòng the. Sau các lễ thức cúng kính và yểm bùa trải chiếu, gối,
ông nưmư dặn chú rể, bà nưmư dặn cô dâu trong ba ngày đêm ở phong the được làm
gì, không được làm gì. Cô dâu, chú rể lúc này được nằm hay ngồi trên chiếu tuỳ
thích, nhưng ở giữa hai người là một chiếc cổ bồng mâm tơ hồng gồm trầu cau, nến
sáp cháy suốt ngày đêm. Xung quanh vách tường, trên chiếu gối đều đã được ông
thầy yểm bùa. Ba đêm trong phong the ấy, cô dâu chú rể đã được căn dặn là không
được “đụng nhau”, phải ở nguyên vị trí của mình. Chỗ ai nấy nằm, gối ai nấy kê,
ở giữa là mâm tơ hồng ngăn cách. Ba đêm dài đằng đẵng như ba thế kỷ, hai người ở
bên nhau phải “thụ thụ bất thân”, chỉ được trò chuyện, ngắm nhìn nhau trong
khao khát cháy bỏng, phải kìm nén nhục dục. Có thể, trong thời gian thiêng,
trong không gian thiêng ấy, họ cảm thấy yêu nhau mãnh liệt và cần nhau đến mức
nào?
Việc kiêng
ba ngày đêm đầu tiên không dược ăn nằm với nhau là một phong tục đã có từ lâu đời
của người Chăm và người Chăm coi đây là một nét đẹp trong phong tục tập quán của
minh. Các cụ già Chăm giải thích rằng, sở dĩ có tục ba đêm cấm động phòng đó là
vì, ngày xưa, quyết định hôn nhân là do cha mẹ hai bên sắp đặt, nhiều đôi trai
gái chưa quen biết nhau và đa số là còn ít tuổi. Có khi đến ngày cưới mới biết
mặt nhau, còn lạ lẫm, mắc cỡ, thậm chí sợ sệt khi lần đầu tiếp xúc với “chuyện ấy”.
Ba đêm vừa để hai người từ lạ lẫm làm quen nhau, tìm hiểu nhau. Ở một khía cạnh
khác, các cụ giải thích rằng, ba ngày cưới là ba ngày rất bận rộn và mệt nhọc của
cô dâu và chú rể vì phải trải qua khá nhiều lễ thức. Sau ba ngày đêm, khi lễ cưới
đã xong xuôi, khách khứa họ hàng gần xa đã về hết, cô dâu chú rể mới thảnh thơi
tận hưởng đêm tân hôn. Cũng có một số nhà nghiên cứu văn hoá Chăm đề cập nhưng
mới chỉ nêu hiện tượng, chưa lý giải cũng như chưa truy tìmm nguồn gốc phong tục
này. Qua qua trình nghiên cứu, lục tìm tài liệu về Bàlamôn giáo, chúng tôi thấy
tục ba đêm cấm động phòng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ba ngày trong lễ cưới, cô dâu
chú rể không được chăn gối đã được ghi trong kinh tình yêu “kamasutra” của Ấn Độ
cổ: Ba đêm đầu, vợ chồng phải ngủ trên nề nhà và phải kìm giữ nhục dục…” Người Ấn
Độ xưa rất đề cao sinh hoạt tình dục sau khi cưới và đẩy lên thành nghệ thuật
mà điển hình là bộ kinh tình yêu còn đến hôm nay.
Sau ba đêm,
ông nưmư làm một lễ nhỏ để tháo gỡ các bùa chú đã yểm trên gối chiếu trong
phòng the. Bà nưmư căn dặn cô dâu kỹ càng chuyện phong the, ông nưmư cũng tranh
thủ truyền đạt kinh nghiệm cho chú rể trước đêm động phòng.
Rõ ràng, đám
cưới truyền thống của người Chăm Bàlamôn còn giữ được rất nhiều phong tục tập
quán tốt đẹp, đặc biệt là không có tục thách cưới và các nét văn hoá tốt đẹp kể
trên. Tuy nhiên, những năm gần đây, đám cưới của người Chăm Bàlamôn cũng đã và
đang bị ảnh hưởng của người Kinh, nhiều đám cưới tổ chức trang trí cầu kỳ, cô
dâu chú rể bỏ dần trang phục cưới truyền thống vốn rất đẹp của người Chăm, nhiều
đám tổ chức ăn nhậu linh đình, tốn kém, thậm chí cũng thu phong bì phong bao
như các đám cưới “tân thời” khác.
Tổng hợp
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét