Càng lớn
càng thấy mình xa rời quê hương. Ngày bé cứ đến hè, lễ tết đều ôm quần áo về
ngoại ở. Bây giờ họa hoằn lắm cả năm mới về một lần. Nhà ngoại cũng khác xưa rất
nhiều rồi... nhớ mãi những mùa hè đầy nắng.
Nhà ngoại là
ngôi nhà cổ ba gian. Trong chiến tranh cũng bị tàn phá ít nhiều, giờ chỉ còn lại
gian nhà chính.Vẫn còn đó những điêu khắc chạm trổ hình rồng uốn lượn ngoài
hàng hiên, mái ngói rêu phong hơn trăm năm rồi vẫn không hề bị dột nát. Ấn tượng
nhất vẫn là hàng cột nhà bằng gỗ lim, chẳng bị mối mọt, càng ngày càng bóng nước
theo năm tháng.
Như bao ngôi
nhà ở vùng quê khác, chung quanh nhà ngoại là những hào nước nhỏ và vườn tược.
Hai bên hông nhà là vườn mía. Loại mía thân to, không lấy gì làm ngọt lắm,
nhưng là cả một niềm tự hào của trẻ con? "Nhà ngoại tụi bây làm gì có vườn
mía? Nhà ngoại tao thì có!" Vườn mía cũng là nỗi ám ảnh của trò chơi rượt
bắt. Ai đang bị đuổi, nhắm không chạy nổi thì cứ chui tọt vào vườn mía, là cái
đứa đứng ngoài sẽ phải tần ngần suy nghĩ "có nên chui vào theo
không?" Vì lá mía sắc lắm, cứ chui vào rồi khi chui ra sẽ thấy ngay những
vết cắt trên tay , trên mặt. Vừa xót vừa hí hửng vì sao mình thông minh quá,
nghĩ ra cách chui vào đây.
Còn nói về
cây ăn quả, thì nhà ngoại chỉ có vài cây táo (loại táo ta, trái nhỏ xíu, chua
còn hơn cả chanh. Chẳng để làm gì ngoài nhặt chọi nhau, hay phơi khô.) ; một
cây me cổ thụ có những nốt u sần và nhiều cành thấp nên rất dể trèo. Có điều
sau lần đập được con rắn trung trên cây, ngoại chẳng cho trèo cây nữa. Muốn ăn
me chỉ việc lấy cây sào dài ra và đập me. Cây me trĩu quả, lúc đập trái rớt lộp
độp, nhặt đến mỏi cả tay vẫn chưa hết.
Tôi thích nhất
là giàn thanh long. Dây thanh long quấn quanh cây me rồi cả giàn gỗ ngoại bắt
bên cạnh, tạo nên một chiếc vòm xanh mướt, trên lại phủ thêm một ít lá sương
sâm và dây tơ hồng. Giữa trưa nắng mà chui vào chiếc vòm ấy thì mát vô cùng, đất
lành lạnh dưới chân, chẳng có tia nắng nào lọt qua nổi, họa hoằn lắm mới có vài
hột nắng chen qua những khe hẹp, rớt xuống trang sách đang đọc dở. Khi ấy đọc
sách mới thích làm sao. Yên tĩnh, mát mẻ,, chưa kể đến mùa thanh long ra quả
thì cứ thấy trái nào hườm hườm chín là vặt và ăn luôn tại chỗ. Chán đọc sách rồi
thì có thể bày ra chơi bán đồ hàng. Dây tơ hồng làm mì sợi trụng tới trụng lui,
lá sương sâm thì chả cần rửa (trẻ con mừ), cứ vắt một chén là có ngay một bát
sương sâm sánh đặc xanh đến mát ruột.
Trước khi
vào nhà ngoại phải qua một cây cầu đá giờ đã bị lấp đất rồi. Cây cầu bé xíu, chừng
hai bước chân người lớn là qua hết, bề ngang cũng chỉ cỡ nửa thước. Cứ lúc nước
lớn là cây cầu chìm trong làn nước, muốn bước qua phải lò dò từng bước để không
hụt chân. Khi nào nước rút ra đó ngồi, sẽ thấy vô số những con ốc bé ti hin bám
vào hai bên thành đá, cứ việc lấy tay gỡ ra, chọc chọc cho cái mài ốc khép chặt
lại. Thi thoảng sẽ thấy vài còn tép bé xíu xiu búng tanh tách mất hút... Rồi có
lần cô bé hàng xóm mang qua một nhánh cây nhìn như cỏ dại với những hạt be bé
trên thân, bảo ấy là hạt nổ. Mà nổ thật. Chỉ cần ngâm thân cây vào nước, sẽ
nghe những tiếng nổ lép bép đến là vui tai.
Ở chung
quanh nhà ngoại là nhà của những ông bà anh em khác của ngoại. Gần nhất vẫn là
nhà ông ba. Ngày còn trẻ, ông nổi tiếng với tiếng đàn cò tài tử. Nghe người lớn
nói trước đây, ông rất phong lưu, trong nhà không bao giờ vắng tiếng ca hát. Đến
bây giờ, khi gia cảnh sa sút hơn, ông ba vẫn giữ cây đàn cò cũ và thói quen mặc
bộ đồ bà ba bằng lụa trắng đi dạo, theo sau là một đứa cháu cầm ô và túi. (chú
thích: "bây giờ" ở đây là những năm tháng ấu thơ của TT. Còn hiện tại,
ông ba cũng mất rồi.). Nhà ông ba có một cây khế lúc nào cũng trĩu quả. Qua xin
ông thì chắc chắn ông cũng sẽ cho, nhưng trẻ con ăn thì ít phá thì nhiều, nên
thích hái trộm hơn. Nhà ngoại và nhà ông cách nhau một hào nước, có một cây dừa
bắt ngang. Cây dừa này là cây dừa còn sống, có trái hẳn hoi, nhưng không hiểu vì
sao nó lại không đứng thẳng mà nằm vắt nghiêng hào nước, muốn qua nhà bên kia
chỉ việc trèo lên thân nó rồi nhảy qua bờ bên kia và hái khế. Nhưng cũng phải cẩn
thận vì bên nhà ông ba có nuôi mấy con chó, chỉ cần nghe động là chúng sủa nhặng
xị lên và gầm ghè rất ghê.
Nhắc chuyện
đi hái trộm quả lại nhớ đến chuyện mấy anh em họ dắt nhau đi hái trộm mãng cầu
gai. Quanh các bờ ruộng, người ta hay tận dụng trồng vài cây mãng cầu. Còn trẻ
con thì tận dụng hái trộm. Không cần biết trái nào chín hay không, cứ nhằm trái
to nhất mà vặt. Có khi bị kiến cắn sưng cả tay chân. (kiến ở đây là những con
kiến vàng, to gấp 3-4 lần loại kiến bình thường, đốt đến đâu là nhức đến đó),
có hôm xui hơn bị người ta phát hiện về mách với ngoại là y như rằng no đòn.
Rồi hôm nào
làm cá chốt, mổ bụng ra toàn trứng. Ngoại sẽ bảo là "năm nay mưa sớm nữa rồi".
Và mùa mưa kéo về, giăng kín cả đất trời. Ruộng đồng trắng xóa nước, những trò
chơi ngày mưa của trẻ con cũng bắt đầu. Đợi mưa vừa tạnh là chạy loanh quanh ra
ngoài ngay. Đường quê lúc này toàn bùn nhão, vừa êm vừa mát, chẳng như trước
kia, toàn những mảnh gai nhọn, chực chờ châm nhói chân. Nhưng phải đi cẩn thận
vì rất trơn, không chú ý là chụp ếch ngay. Bí quyết là đừng mang dép, cứ chân
không mà bước, đầu ngón chân phải quặp vào bùn cho đỡ trượt. Thích nhất vẫn là
lội ruộng lúc này. Nước mát và trong lắm (chứ chẳng như ở thành phố, cũng nước
ngập mà nâu xám một màu). Thi thoảng lại theo mọi người đi bắt cá bằng cái vợt.
Nó từa tựa như cái vợt hớt cá kiểng ở mấy tiệm bán cá, nhưng to hơn rất nhiều
các thanh, cán đều làm bằng tre, và chỉ có một mảnh lưới vuông vắt ngang. Dùng
cái này bắt cá rất đơn giản, chỉ việc cho lưới vợt chìm xuống nước, đợi một
chút, thấy bong bóng cá nổi ngay trên chỗ mặt lưới thi nhấc vợt lên. Hầu như sẽ
có cá. Dù chỉ là những con cá rô, cá sặc be bé cỡ hai ngón tay. Nhưng vui như
ngày hội khi được ăn những con cá ấy chiên giòn, hay nấu canh chua vì đó là thức
tự tay mình kiếm. Có ngày may mắn vớt được một con cá gì đó ta bằng cả bàn tay,
thì lại đem về ao cá nhà ngoại thả nuôi cho lớn thêm nữa.
Đã lưới cá,
thì không thể không nhắc đến câu cá. Lúc ấy cứ vòi vĩnh đòi câu, nhưng chẳng có
mồi, thế là cậu phải đi kiếm mớ rơm bó lại rồi đốt để un tổ ong. Chẳng biết loại
ong gì, nhưng nhìn chiếc tổ bé xíu, cũng chẳng thấy mật... (ngày ấy cứ ước ao tổ
ong có mật). Trong chiếc tổ ấy chằng chịt những ô lục giác chứa những con ong
non còn trắng nõn, mềm oặt, hay những con còn chưa thành hình ong, nhìn vừa hơi
giống con sâu, lại hao hao cái trứng. Tất cả đều căng mọng như chứa nước bên
trong và mềm vô cùng. Mồi bằng ong non ấy mà cá lại chê. Buồn buồn sáng hôm sau
câu cá bằng cơm nguội thì cá lại mắc câu. Nghĩ cũng thật lạ...
Mùa mưa đến
rồi mùa mưa cũng đi qua. Nước ngập tràn ruộng rồi nước cũng rút, cuốn theo cả tuổi
thơ, cả những mùa hè đầy nắng còn say sưa hút mật nhụy hoa trang, hay mong
ngóng chờ đợi trái tùm nụm chín... Cuộc sống ngày càng phát triển, vùng quê ngoại
cũng chẳng còn êm ả như xưa nữa. Có chăng chỉ còn chút bình yên trong khoảng trời
ký ức...
Giờ có còn
là mảnh vườn xưa?
Hoa tỏa
hương và trái lành ngọt mát
Con thuở tuổi
thơ vui nghịch ngợm
Ngoại mỉm cười,
âu yếm mắng cháu yêu
Hàng dừa
nghiêng soi bóng vẫn còn đây
Buồng cau đã gánh nặng oằn tuổi tác
Con đếm hoài
bao nhiêu sợi tóc bạc
Sợi hanh hao,
sợi buộc cọng rơm vàng
Mảnh vườn
quê có còn nơi đây?
Gian nhà cũ
bây giờ sao quạnh vắng
Xòe bàn tay
tìm ngày rơi hột nắng
Chợt thẫn thờ
nhớ quá bóng ngoại xưa
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét