Khi mùa vụ
xong xuôi, thóc ngô về nhà, đến gần 11 - 12 giờ đêm chàng trai tìm đến nhà các
bạn gái để chọc sàn.
"Chọc sàn" là phong tục đẹp trong
hôn nhân của trai gái dân tộc Thái. Từ quen nhau, yêu nhau qua ánh mắt, người
con trai mới đến chọc sàn. Sau đó phải mất khoảng 3 - 6 năm, cha mẹ đến thưa
chuyện, sau đám cưới người con trai đến ở rể và thêm đám cưới nữa... đôi lứa mới
về ở một nhà.
Để tìm hiểu phong tục chọc sàn, tôi tìm gặp bà
Tòng Thị Lải, ở bản Cáp Na 1, xã Tà Hừa (huyện Than Uyên), người biết rất nhiều
làn điệu hát then trong chọc sàn.
Bà Lải kể lại: "Năm đó, tôi vừa tròn 16
tuổi, cái tuổi trăng tròn đẹp nhất thời con gái. Ở cùng bản với nhau, cùng chăn
trâu, cắt cỏ, rồi năm tháng qua đi, tôi và ông ấy đều đã lớn. Khi "con mắt
đã ưng, cái lòng đã thuận" cứ mỗi buổi tối ông đến đầu ngõ tỏ tình bằng những
điệu đàn tính và câu hát giao duyên. Sau khi chọc sàn đúng chỗ tôi nằm, tôi nhận
lời ông và sau 3 năm ở rể, tôi mới theo ông về nhà".người Thái Lai Châu.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nét đẹp văn
hóa trong tục chọc sàn là những lời tỏ tình, giao duyên của các đôi trai gái
dân tộc Thái khi đến tuổi "cập kê". Khi mùa vụ xong xuôi, thóc ngô về
nhà, đến gần 11 - 12 giờ đêm chàng trai tìm đến nhà các bạn gái để chọc sàn.
Hành trang mà những chàng trai mang theo đơn giản chỉ là nhạc cụ gồm: Sáo, nhị,
tính tẩu, đàn môi và một đoạn gỗ nhỏ dài 40 - 50cm dùng để gõ lên sàn nơi cô
gái nằm.
Chàng thổi sáo, đánh đàn tính tẩu gửi gắm tình
yêu, lời tỏ tình đến người con gái mình thích qua những câu hát da diết, yêu
thương: "Dậy nhé em dậy đi nhé/Khuya khuya rồi anh mới tới/Dậy cất chiếu dựa
phiên nhé/Dậy cất chăn màn lên sào nhé em ơi/Dậy buộc tóc, dậy chải đầu/Giấc ngủ
không thay được mối tình đầu em ơi...".
Nàng nằm trong nhà như thấu hiểu được nỗi niềm,
tấm lòng của chàng trai. Khi đến gần sàn, chàng trai lấy một đoạn gỗ nhỏ chọc
lên đúng chỗ nàng nằm (theo tục người Thái gian đầu thờ tổ tiên, gian tiếp bố mẹ
ngủ, rồi đến gian con trai, con gái). Nếu cảm thấy ưng cái bụng thì nàng ra mở
cửa mời chàng trai vào nhà. Họ ngồi có thể ở trong nhà hoặc ngoài sân tâm sự đến
gần sáng. Những đêm sau, chỉ cần nghe tiếng đàn tính tẩu, giọng hát là nhận ra
chàng trai của mình.
Sau vài đêm chuyện trò, chàng trai thổ lộ chuyện
muốn cưới cô gái về làm vợ. Nếu cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố
mẹ và đưa bố mẹ đến hỏi cưới. Sau đó là giai đoạn ở rể. Đây là giai đoạn thử
thách lòng kiên trì của chàng trai, họ sẽ phải trở thành trụ cột chính của gia
đình, hàng ngày cùng đi làm với gia đình nhà gái. Trong suốt thời gian ở rể, bố
mẹ cô gái sẽ theo dõi chàng trai đối xử với con gái mình như thế nào và con gái
mình có ưng thuận người chồng đó không. Cứ thế thời gian trôi đi, khoảng 3 - 6
năm ở rể (tùy theo nhà gái yêu cầu), chàng trai còn phải một lần tạ ơn bố mẹ vợ
đã sinh ra, nuôi dưỡng, chăm sóc người vợ cho mình và phải thêm một lần cưới nữa
mới đưa vợ về nhà. Những lần cưới đó đều phải mời cả bản đến uống rượu chia
vui.
Với xu thế
phát triển của xã hội, một số phong tục tập quán đẹp của các dân tộc địa phương
đang bị mai một và lãng quên, trong đó tục chọc sàn của dân tộc Thái ở huyện
Than Uyên cũng mất dần.
Theo ông Lò Văn Sơi, ở xã Mường Cang (người được
bà con gọi là nghệ nhân dân gian đàn tính) cho biết: "Tục chọc sàn của dân
tộc Thái ở Than Uyên hiện nay gần như đã mất hẳn. Cùng với đó, những điệu hát
then, làn điệu tính tẩu cũng dần bị mai một. Hiện tôi đang sưu tầm những bài
hát then, nhạc cụ của dân tộc Thái để tập hợp con cháu trong bản truyền lại cho
thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ được những nét đẹp trong tục chọc sàn của đồng bào
Thái.
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét