Tục cưới của mỗi cộng đồng đều có những nét riêng thú vị. Với người Khơ mú ở miền Tây Nghệ An, khi đi hỏi vợ nhất thiết phải có thịt, cá và đặc biệt là thịt sóc; tất cả đều được làm khô trên gác bếp, trước ngày vui hàng tháng trời...
Với người Khơ mú, sau mùa gặt hái là dịp để ăn mừng cơm mới và cũng là mùa cưới. Mùa cưới cứ thế kéo dài cho đến ra tết chuẩn bị phát rãy mới thôi. Sau vụ gặt, lúc bản làng no ấm nhất là lúc khí trời mát dịu, thời điểm tốt để các đôi trẻ xây dựng những tổ ấm mới. Có lẽ vì thế, từ tháng 9, tháng 10 âm lịch cho đến khi ra giêng, về các bản Khơ mú thường gặp nhiều đám cưới hơn cả...
Với bản Pủng Cà Moong (xã Lượng Minh - Tương Dương) nằm bên hồ Thủy điện Bản Vẽ cũng vậy. Từ sau vụ gặt đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (2014), đã có hàng chục đám cưới được tổ chức. Làng bản cũ của 140 hộ Khơ mú đã chìm dưới lòng hồ. Họ di dời đến nơi ở mới đã 4 cái tết. Cuộc sống tại điểm tái định cư này chưa phải là đã ổn định. Khó khăn vẫn chồng chất, thế nhưng khi tổ chức đám cưới cho những đôi trẻ vẫn được gia đình lo sao cho bằng bản bằng mường.
Người ta cho rằng, người Khơ mú là một trong những cộng đồng xa xưa nhất sinh sống trên mảnh đất miền Tây Nghệ An. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, cộng đồng này còn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có phong tục cưới không thể lẫn với bất cứ một dân tộc nào. Chúng tôi đến bản Pủng Cà Moong, gặp lúc gia đình ông Cụt Văn Liên chuẩn bị tiễn cô con gái út Cụt Thị May về nhà chồng. Niềm vui như được nhân đôi khi đám cưới vào đúng dịp tết cổ truyền. Từ nhiều năm nay, người Khơ mú ở bản Pủng Cà Moong đã ăn Tết Nguyên đán như người miền xuôi và đám cưới cũng đang dần được đổi mới để tránh rườm rà, lãng phí. Nạn tảo hôn đã ít hẳn. Con gái đủ 18 tuổi ông Liên mới cho phép về nhà chồng.
Bên ché rượu cần trong ngày vui của cô con gái, ông Cụt Văn Liên kể về phong tục cưới của người Khơ mú... Chẳng hiểu từ bao giờ, trong các bản của người Khơ mú có tục cưới thật khác lạ. Con trai lớn rồi thấy “ưng bụng” một cô gái bản nào đó, liền về thưa chuyện cùng cha mẹ định ngày đi hỏi vợ. Trước ngày đám hỏi hàng tháng trời, gia đình nhà trai phải xuống suối đánh cá, lên rừng săn sóc, mổ lợn làm thịt khô trên gác bếp. Bởi thịt, cá suối và thịt sóc khô là thứ sính lễ không thể thiếu khi đi hỏi vợ. Ngoài ra, cũng như người Thái hay người Mông, gia đình chọn trong dòng họ người làm “mối” để hỏi vợ cho con trai. Chỉ có điều người Thái chỉ có một ông bà mối, còn người Khơ mú có tới hai ông bà mối.
Trong cộng đồng chẳng còn mấy ai giải thích được tục hỏi vợ khá lạ lẫm này? Người ta chỉ biết rằng đó là những điều ông cha truyền lại. Trong cuộc rượu đám hỏi, gia đình nhà gái sẽ ra điều kiện thách cưới. Cho đến bây giờ, nhiều nơi vẫn còn tục thách cưới phải có gà lợn, bạc nén. Tuy nhiên, tại bản Pủng Cà Moong tục thách cưới bằng bạc nén đã được bãi bỏ, bởi ngày nay một nén bạc có giá gần 20 triệu đồng, lại rất khó kiếm. Phải nói tục thách cưới đã trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình, nhất là trong các cộng đồng ngày trước. Ông Cụt Văn Liên cho biết, ngày trước khi đi hỏi vợ ông, gia đình phải bán mất đàn bò mới lo được một đám cưới cho chu tất. Vì vậy, khi nhà trai đến hỏi cưới con gái, ông đã không cho thách cưới nặng như ngày trước nữa. Đám cưới có lợn, gà, rượu, gạo để cúng cho ông bà tổ tiên cho đúng phong tục mà thôi. Lẽ đương nhiên, trong đám hỏi cũng như lễ cưới, không thể thiếu rượu cần và rượu nấu bằng chiếc chõ đồ xôi (làu xiêu), thường là 2 vò rượu cần và 4 chai “làu xiêu”. Trong đám hỏi, hai nhà sẽ định ngày làm đám cưới cho đôi trẻ. Ngày làm đám cưới nhỏ cũng như cưới chính thức thường do nhà trai quyết định. Chúng ta cũng thấy tập tục này ở người Thái ở Con Cuông, Tương Dương… Tuy nhiên, với người Khơ mú thì ngày cưới nhỏ phải có mặt 2 ông bà mối (với người Thái chỉ có 1 ông bà mối). Trong ngày đi hỏi vợ, bên nhà trai cũng phải có mặt đông đủ họ hàng nên đám cưới nhỏ nhiều khi cũng linh đình chẳng kém ngày cưới chính thức.
|
Mang đệm cho cô dâu khi về nhà chồng. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi trong những lần có cơ may viếng thăm các làng bản người Khơ mú ở Kỳ Sơn thì tại nhiều địa bàn như Mường Ải, Keng Đu, tục cưới đã được tổ chức gọn nhẹ. Điển hình như ở xã Mường Ải, nhà gái chỉ lấy tiền thách cưới khoảng 300. 000đ cho có lệ. Có được điều này là nhờ công tác tuyên truyền sau nhiều năm của ngành Văn hóa huyện. Trưởng phòng Văn hóa huyên Kỳ Sơn, ông Moong Văn Nhi cho biết: Thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, HĐND huyện cũng đã có nghị quyết về việc thực hiện hương ước trong ma chay cưới hỏi, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, đám cưới được tổ chức trong một ngày. Ngày cưới chính thức và cũng là ngày được mong đợi nhất. Vào ngày cưới chính, bên nhà gái thường được tổ chức linh đình hơn cả. Mọi công việc từ mổ lợn, gà, đến bày mâm, thậm chí mâm bát cũng đều do nhà trai lo liệu. Người Khơ mú quan niệm: Mình đi lấy con gái nhà người ta, nên phải tự lo lấy tất cả. Lúc này, nhà gái chỉ như những người khách mời mà thôi.
Về tục rước dâu, người Khơ mú ở Kỳ Sơn (xã Keng Đu) thường rước dâu về ban đêm. Đám rước dâu của người Khơ mú ở Keng Đu thường diễn ra khi gà chuẩn bị gáy sáng. Theo quan niệm của bà con, đây là lúc yên tĩnh thường không gặp phải trở ngại gì trên đường đưa dâu cũng như trong cuộc sống về sau. Còn một bộ phần cộng đồng khác, họ rước dâu ban ngày. Tục rước dâu đêm, chúng ta cũng có thể tìm thấy tại nhiều cộng đồng người Thái ở huyện Con Cuông.
Trong đoàn đón dâu, họ nhà trai thường cử đi 12, hoặc 16 người. Người được chọn đi đón dâu cũng thuộc những gia đình chuẩn mực, kinh tế khấm khá so với dòng tộc, có địa vị xã hội. Điều này nói lên mong muốn có gia đình đối với đôi vợ chồng mới cưới về sau cũng trở nên khá giả, yên ấm. Số người trong đoàn đón dâu khi đi cũng như lúc trở về nhà trai phải là số chẵn.
Khi đoàn rước dâu trên đường trở về và chuẩn bị vào nhà, đích thân chú rể phải quét dọn trên một khoảng sân trước nhà, rồi trải lên đôi chiếu. Cạnh chiếc chiếu là 2 thau nước, có chuẩn bị sẵn khăn mặt. Khi những người trong gia đình nhà gái chuẩn bị bước vào chiếc chiếu, đôi vợ chồng mới cưới sẽ rửa mặt và chân tay cho từng người. Lúc này, ông mối sẽ hát tơm bài “Xin dâu”, sau đó nhà gái sẽ tổ chức trao của hồi môn, tiền mừng cưới cho cô dâu ngay tại nơi làm lễ trước sân. Sau đó thì cô dâu mới được đón lên nhà sàn. Khi dọn cỗ, gia đình nhà gái là người ăn trước tiên, rồi mới đến lượt khách được mời vào bữa. Tuy nhiên, theo chứng kiến của chúng tôi tại bản Pủng, cô gái trước khi về nhà chồng đã được tổ chức trao quà mừng và của hồi môn tại nhà bố mẹ. Tập tục này, cũng thấy ở người Thái các huyện Tây Nam Nghệ An. Đồ hồi môn các cô gái vùng cao thường được nhận từ cha mẹ và người thân là những chiếc gối và đệm được làm thủ công của người miền núi.
Sau đám cưới khoảng 1 tháng, nhà trai phải tổ chức “trả ơn” bố mẹ vợ lần nữa. Lúc này, mọi công việc cũng như nghi lễ trong đám cưới mới có thể gọi là đã hoàn tất.
Trong một chuyến công tác vào bản Hạt Tà Vén (Keng Đu - Kỳ Sơn) cách đây vài năm, chúng tôi được chứng kiến một đám cưới khá lạ tại cộng đồng thuần người Khơ mú này. Chú rể cô dâu đã chung sống và có với nhau một cháu bé mới tổ chức đám cưới. Hỏi ra mới biết gia đình chú rể thuộc diện khó khăn, không có đủ tiền tổ chức lễ cưới cho con. Thế nên, phải cho con trai đi ở rể cho đến ngày đôi trẻ tự kiếm tiền đủ để trang trải lễ cưới. Đây cũng là một nét lạ trong tục cưới của người Khơ mú...
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét